Theo báo Washington Post, quan chức Mỹ tin rằng các tên lửa hành trình và dàn drone (thiết bị bay không người lái) được sử dụng trong vụ tấn công nằm trong một hoạt động triển khai từ lãnh thổ Iran. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, Tehran kiên quyết phủ nhận liên quan tới vụ việc.
“Người Yemen hoàn toàn có quyền đáp trả trước sự khiêu khích của quân đội Saudi Arabia”, Tổng thống Iran Hassan Rouhani ngày 16/9 gọi vụ tấn công đó là đòn đáp trả “tương xứng” và “phòng thủ hợp pháp”.
Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Saudi Arabia thông báo điều tra ban đầu “đưa ra bằng chứng vũ khí sử dụng trong vụ tấn công là vũ khí Iran”. Tuyên bố cho biết giới chức Saudi Arabia vẫn đang tiếp tục làm việc để tìm ra nguyên nhân vụ tấn công.
Iran duy trì các chương trình tên lửa và máy bay không người lái tối tân như một phần trong chiếc lược quốc phòng. Theo cáo buộc từ quan chức Mỹ và các chuyên gia vũ khí, Iran đã chuyển giao một vài loại vũ khí và công nghệ cho các lực lượng đồng minh trong khu vực, bao gồm cả phiến quân Houthi tại Yemen.
“Chiến lược trong chương trình tên lửa của Iran thể hiện rõ: Dàn tên lửa và drone cho phép Iran hoạt động từ tầm xa, giữ lãnh thổ an toàn và tấn công vào các mục tiêu ở xa”, ông Behnam Ben Taleblu - thành viên cao cấp tại tổ chức có tên Quỹ Bảo vệ Dân chủ - nhận định.
Trước đó, vào ngày 14/9, lực lượng phiến quân Houthi tại Yemen đã thừa nhận thực hiện vụ tấn công bằng máy bay không người lái nhằm vào hai nhà máy của tập đoàn dầu khí Aramco ở thành phố Abqaia và Khurais của Saudi Arabia. Việc gián đoạn sản xuất khiến sản lượng khai thác dầu mỏ của Aramco giảm khoảng một nửa.
Theo kênh truyền hình vệ tinh Al-Masirah của Houthi, các phiến quân đã mở một chiến dịch quy mô lớn gồm 10 máy bay không người lái nhắm vào những cơ sở lọc dầu ở Abqaiq và Khurais. Đại diện Houthi cảnh báo các cuộc tấn công của lực lượng này sẽ khiến tình hình tại Saudi Arabia tồi tệ hơn và Riyadh phải chấm dứt tấn công.
Bộ Nội vụ Saudi Arabia xác nhận hai nhà máy của tập đoàn dầu khí Aramco ở thành phố Abqaia và Khurais của nước này đã bị máy bay không người lái tấn công, dẫn đến hỏa hoạn.
Theo một hội đồng chuyên gia Liên hợp quốc tại Yemen, phiến quân Houthi đã triển khai drone theo “bầy”, kết hợp với tên lửa hành trình.
“Về mặt lý thuyết, một cuộc tấn công bằng thiết bị bay không người lái và tên lửa hành trình có khả năng làm tê liệt hệ thống phòng thủ của đối phương”, Justin Bronk, một chuyên viên nghiên cứu tại Viện Royal United Services trụ sở ở London (Anh), giải thích.
Tên lửa hành trình có một đặc điểm là khả năng bay ở độ cao thấp và khó phát hiện hơn. Chúng được trang bị thiết bị dẫn đường và có khả năng gây nên thiệt hại đáng kể một khi nhắm đến những mục tiêu được xác định cụ thể.
Video hiện trường các cơ sở lọc dầu Saudi Arabia bị tấn công (nguồn: SCMP):
Iran từng thiết kế lại tên lửa hành trình tấn công mặt đất Kh-55 của Liên Xô và sử dụng công nghệ tên lửa chống hạm của Trung Quốc để tăng cường năng lực quân sự. Trong cuộc chiến ở Lebanon năm 2006, phiến quân Hezbollah được Iran hậu thuẫn đã đánh trúng một tàu của Israel bằng loại vũ khí được cho là tương tự tên lửa chống hạm C-802 của Trung Quốc.
Những loại tên lửa này “khó bị phát hiện và đối phó hơn so với thiết bị bay không người lái. Chúng có thể tấn công chính xác một cách ngạc nhiên nếu người điều khiển biết rõ họ đang làm gì”, Rawan Shaif – một nhà điều tra thuộc trang web tình báo Bellingcat – nhận xét.
Henry Rome, nhà phân tích tại công ty đánh giá rủi ro chính trị Eurasia Group có trụ sở tại New York, cho rằng nếu Iran là người đứng sau vụ tấn công này, đây sẽ là chiến lược của họ nhằm tạo dựng đòn bẩy cho các cuộc đàm phán cuối cùng với Washington.
“Iran muốn chính quyền Trump phải dừng các biện pháp trừng phạt cũng như hối thúc các nước khác lên tiếng bảo vệ họ. Các vụ tấn công cơ sở dầu mỏ tại Saudi Arabia sẽ đẩy lui mọi giới hạn, song mọi thứ vấn còn quá sớm để nói rằng mọi thứ an toàn”, chuyên gia Rome kết luận.