Chương trình tiêm vaccine của Chile đang nhận được sự hoan nghênh của giới chức nước này trong bối cảnh chính phủ đặt ra mục tiêu 5 triệu người, gần 33% dân số, được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine ngừa COVID-19.
Ngày 14/3 vừa qua, Chile đã bắt đầu tiêm chủng cho các lực lượng vũ trang và các nhà nghiên cứu khoa học đồn trú tại căn cứ không quân Tổng thống Eduardo Frei Montalva của nước này ở Nam Cực. Đã có 49 người tại căn cứ này được tiêm chủng và dự kiến 53 người nữa sẽ tiếp nhận mũi đầu tiên trong những ngày tới. Ông Victor Videla, bác sĩ phụ trách chương trình tiêm chủng, cho biết cho tới nay, tất cả những người đã tiêm, ở độ tuổi từ 25 đến 58 tuổi, đều không có phản ứng với vaccine.
Ông Videla cho biết giới chức trách dự kiến triển khai việc tiêm chủng tại 2 căn cứ khác của Chile tại Nam Cực, song đã bị trì hoãn do điều kiện thời tiết không thuận lợi.
Nam Cực là một trong những khu vực cuối cùng trên Trái Đất bị virus SARS-CoV-2 xâm nhập. Hồi cuối tháng 12 năm ngoái, khu vực này ghi nhận sự bùng phát dịch COVID-19 tại một căn cứ quân sự của Chile với 36 người mắc. Nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2, tất cả chuyến thám hiểm tới đây đã bị hủy, các nhân viên không thiết yếu đều được sơ tán và việc tiếp xúc giữa 40 căn cứ quốc tế đều bị cấm.
Cùng ngày, phát biểu trước các nhà lập pháp, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết ông sẽ tiêm vaccine ngừa COVID-19 do hãng dược AstraZeneca của nước này sản xuất sau khi một số nước châu Âu ngừng tiêm loại vaccine này do quan ngại về độ an toàn. Thủ tướng Johnson, 56 tuổi, nằm trong số nhóm đối tượng tiếp theo được tiêm vaccine ngừa COVID-19 trong chương trình tiêm chủng quốc gia. Chính phủ Anh kỳ vọng toàn bộ người trưởng thành tại nước này được tiêm chủng đến tháng 7 tới.
Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock cho biết thời gian triển khai tiêm chủng tại nước này vẫn theo kế hoạch bất chấp cơ quan Dịch vụ y tế quốc gia (NHS) chi nhánh tại vùng England cảnh báo về việc phân phối vaccine sẽ bị gián đoạn đáng kể từ ngày 29/3 tới và có thể chậm lại tới 1 tháng. Ông Hancock cho rằng tình trạng này là bình thường.
Anh đã triển khai chương trình tiêm chủng quốc gia từ tháng 12/2020 và cho tới nay, hơn 25 triệu người đã được tiêm mũi đầu tiên vaccine ngừa COVID-19, trong đó gần một nửa sử dụng vaccine AstraZeneca. Nước này cũng sử dụng vaccine của Pfizer/BioNTech trong chương trình.
Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Tây Ban Nha Carolina Darias cho biết đang điều tra làm rõ 3 trường hợp bị mắc chứng đông máu sau khi tiêm vaccine AstraZeneca. Trong 3 người này, 1 người đã tử vong. Trước đó ngày 15/3, Tây Ban Nha đã đình chỉ việc sử dụng vaccine AstraZeneca trong chương trình tiêm chủng sau khi các nước Đức, Pháp và Italy có quyết định tương tự do quan ngại về độ an toàn của loại vaccine này. Bà Darias cho biết trong số 975.661 người tiêm vaccine AstraZeneca tại nước này, có 3 trường hợp mắc chứng đông máu sau khi tiêm.