Phát biểu tại sự kiện có sự tham dự của 700 quan chức, chuyên gia đến từ nhiều nước trên thế giới, Tổng Thư ký Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) Petteri Taalas cho biết báo cáo của IPCC sẽ đóng vai trò rất quan trọng cũng như góp phần vào thành công của Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP26) dự kiến diễn ra vào tháng 11 tới tại Glasgow, Anh. Ngoài ra, hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) cũng sẽ diễn ra vào cuối tháng 10 này.
Trong một tuyên bố, Thư ký điều hành của Công ước khung LHQ về biến đổi khí hậu, bà Patricia Espinosa nêu rõ trong nhiều năm qua, các nhà khoa học đã cảnh báo về các nguy cơ mà tình trạng biến đổi khí hậu gây ra và thực tế là những nguy cơ này đã trở thành hiện thực. Các đợt nắng nóng, hạn hán, lũ lụt nghiêm trọng tại nhiều nước trong những tuần gần đây đều bắt nguồn từ sự ấm lên của Trái Đất, đặt ra yêu cầu cấp bách các nước phải hành động kiên quyết.
Theo kế hoạch, đại diện của các nước và các nhà khoa học hàng đầu thế giới sẽ xem xét chi tiết “bản tóm tắt cho các nhà hoạch định chính sách” dài 20-30 trang của LHQ. Các cuộc thảo luận dự kiến kéo dài trong hai tuần là về phần một của báo cáo gồm 3 phần này, liên quan tới khoa học vật lý. Dự kiến, văn bản chính thức của phần này trong báo cáo sẽ được công bố vào ngày 9/8. Phần hai của báo cáo đề cập đến các tác động của biến đổi khí hậu sẽ được công bố vào tháng 2/2022 trong khi phần 3 của báo cáo về xem xét các giải pháp giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính sẽ được công bố vào tháng tới.
Theo một bản dự thảo báo cáo mà hãng AFP có được, các chuyên gia LHQ cảnh báo rằng về cơ bản, biến đổi khí hậu sẽ định hình lại sự sống trên Trái Đất trong những thập kỷ tới, thậm chí ngay cả khi các nước giải quyêt được lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính- một trong những nguyên nhân chính làm cho Trái Đất ấm lên. LHQ đồng thời kêu gọi các nước tiến hành chuyển đổi cơ cấu để bảo vệ các thế hệ tương lai.
Trong khi đó, từ ngày 25-26/7, các cuộc đàm phán về khí hậu diễn ra dưới hình thức trực tiếp đầu tiên trong hơn 18 tháng qua giữa các bộ trưởng môi trường và khí hậu của hơn 50 nước trên thế giới đã diễn ra tại London, Anh.
Theo các quan chức, các cuộc đàm phán này đã cho thấy sự tham gia thực sự của các nước vào những lĩnh vực có thể đạt được thoả hiệp trước khi diễn ra COP26. Tuy nhiên, hội nghị này cũng cho thấy vẫn tồn tại những bất đồng cần được giải quyết trước thềm COP26.
Phát biểu với báo giới ngày 26/7, bà Espinosa đã hoan nghênh những cuộc thảo luận tích cực ở London và kết quả thảo luận từ hơn 50 chính phủ, trong đó có Mỹ, Ấn Độ, Trung Quốc. Tuy nhiên, bà cho rằng vẫn còn nhiều công việc phải làm trong 90 ngày tới.
Cũng tại cuộc họp báo này, Chủ tịch COP26 của Anh Alok Sharma nhấn mạnh rằng các nước cần nỗ lực hơn nữa để đáp ứng mục tiêu đóng góp 100 tỷ USD/năm nhằm giúp các nước nghèo hơn đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu. Theo ông, Canada và Đức sẽ tiến hành các cuộc đối thoại mới nhằm đạt được mục tiêu này.
Singapore và Na Uy sẽ thúc đẩy hơn nữa các cuộc thảo luận về thành lập thị trường carbon trong khi Rwanda và Thuỵ Sĩ theo sát các cuộc đàm phán nhằm đề ra khung thời gian chung cho các nước góp phần giảm lượng khí thải đã được quyết định ở cấp quốc gia. Ông nhấn mạnh, nếu không nỗ lực hơn nữa, thế giới sẽ rất khó đạt được mục tiêu kìm hãm mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.