Các nhà lập pháp dựa trên Đạo luật Cấp phép Quốc phòng Quốc gia (NDAA) năm tài khóa 2021 yêu cầu Tổng thống Trump ban hành lệnh trừng phạt trong vòng 30 ngày được thông qua. Theo CNN, Tổng thống Trump đã ngần ngại trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ nhưng vào 14/12, nhiều quan chức Bộ Ngoại giao thể hiện rõ ràng họ đã thực hiện những bước cuối trong việc áp đặt lệnh trừng phạt.
Trợ lý Ngoại trưởng về vấn đề an ninh quốc tế và không phổ biến vũ khí Chris Ford nêu rõ: “Chúng tôi rất tiếc nhưng đây là điều cần thiết và hy vọng rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ hợp tác để giải quyết vấn đề S-400 sớm nhất có thể”.
Ông Ford cũng bổ sung rằng vì Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) do vậy Mỹ sẽ tuân thủ quá trình thận trọng trước khi ban hành lệnh trừng phạt.
Lệnh trừng phạt của Mỹ dự kiến nhắm đến các quan chức cơ quan quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ, ngăn Ankara được vay từ Ngân hàng Xuất-Nhập khẩu của Mỹ.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ chỉ trích quyết định của Mỹ và đề nghị Washington “đảo ngược lỗi lầm nghiêm trọng này”. Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh: “Chúng tôi phản đối quyết định Mỹ công bố hôm nay, bao gồm lệnh trừng phạt đơn phương về việc Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400 của Nga”.
Mỹ muốn Thổ Nhĩ Kỳ phải từ bỏ hệ thống phòng không S-400 do Nga sản xuất. Vào giữa tháng 7, Nhà Trắng còn nói rằng việc Thổ Nhĩ Kỳ quyết định mua hệ thống phòng không S-400 của Nga có thể ảnh hưởng đến việc Ankara tham gia chương trình phát triển chiến đầu cơ đa nhiệm thế hệ thứ mới F-35.
Khi Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định không từ bỏ S-400, Washington đã loại Ankara khỏi chương trình hợp tác phát triển chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 - tiêm kích đa nhiệm F-35. Khi đó Mỹ cảnh cáo đơn phương trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ vì mua S-400.
Hệ thống phòng không S-400 của Nga có thể tiêu diệt chiến đấu cơ, chiến hạm và tên lửa đạn đạo. Bên cạnh đó, S-400 có thể tấn công mục tiêu ở khoảng cách 400km và độ cao 30km dưới hỏa lực dày đặc của kẻ thù.