Trong khi thế giới đang khẩn trương tìm cách “giải mã” biến thể mới Omicron (đã được phát hiện và lây lan ở 40 nước), thì biến thể chủ đạo Delta vẫn khiến nhiều nước châu Âu và Mỹ, những nơi có tỷ lệ tiêm phòng cao, chứng kiến số ca mắc mới tăng mạnh. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng kêu gọi các nước châu Á- Thái Bình Dương chủ động chuẩn bị ứng phó với làn sóng dịch bệnh tiếp theo do biến thể mới.
Trong tuần qua, số ca mắc tại châu Âu đã vượt mức 75 triệu ca, dù biến thể mới Omicron chỉ xuất hiện ở khoảng 15 quốc gia châu lục và còn chưa kịp gây ảnh hưởng đáng kể. Biến thể Delta lây lan nhanh đã khiến châu Âu có thời điểm ghi nhận đến 66% tổng số ca mắc mới trên toàn thế giới.
Anh cho biết 99% số ca mắc mới có giải trình tự gene tương thích với biến thể Delta, phản ánh đây vẫn là nguyên nhân chính khiến tỷ lệ lây nhiễm bệnh ở Anh cao và số ca nhiễm mới tăng cao hơn ở trẻ nhỏ tuổi, với khoảng 4,25%. Đánh giá về thực tế này, Giáo sư vi sinh lâm sàng Ravi Gupta thuộc Đại học Cambridge cho rằng biến thể Omicron sẽ không thay thế hoàn toàn biến thể Delta, vốn có thể tiếp tục tấn công những nhóm người chưa tiêm phòng như trẻ nhỏ.
Số ca mắc mới tăng mạnh ở những nhóm chưa tiêm phòng tại Áo, Đức và Hà Lan đã khiến tỷ lệ nhiễm virus thậm chí cao gấp đôi đỉnh điểm của mùa Đông 2020. Bỉ và Pháp cảnh báo hệ thống y tế đang đứng trước nguy cơ quá tải trong khi Latvia, CH Séc và Ukraine, những nước có tỷ lệ tiêm phòng thấp do tâm lý bài vaccine, đang ghi nhận những ngày dịch bệnh buồn thảm. Chuyên gia dịch bệnh học ở Pháp Arnaud Fontaner, thành viên ban cố vấn chính phủ, nhắc nhở không nên bị đánh lạc hướng mà mất tập trung vào "kẻ thù chính" lúc này là biến thể Delta.
Tại Mỹ, Omicron đã được phát hiện ở hơn một chục bang nhưng Delta vẫn đang là biến thể gây bệnh chính. Giám đốc Trung tâm phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Mỹ, Tiến sĩ Rochelle Walesky, cho rằng khi cả thế giới đang chú ý tới Omicron thì nước Mỹ không được phép quên rằng hiện Delta vẫn đang là nguyên nhân gây ra 99,9% số ca mắc tại nước này. Thống kê của worldometers.imfo chỉ ra nước này ghi nhận tổng số ca mắc mới trong 7 ngày gần nhất là 746.250 ca, tăng 24% so với 7 ngày trước đó. Trong khi đó, số ca tử vong trong giai đoạn này cũng tăng 20% lên 7.652 ca.
Việc phát hiện ra biến thể mới Omicron càng chất thêm gánh nặng cho châu Âu, vốn đang một lần nữa là tâm dịch thế giới. Omicron với nguy cơ tái nhiễm có thể là cao hơn gấp 3 lần Delta, như nghiên cứu sơ bộ từ Nam Phi, đang khiến các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đau đầu. Từ chỗ còn cân nhắc thì nay Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen nói ưu tiên cao nhất nên là tiếp tục giãn cách xã hội và tiêm mũi tăng cường. Lãnh đạo EC không quên nhắc nhở “Hy vọng vào điều tốt đẹp nhất nhưng chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất”.
Nếu Omicron được chứng minh là mạnh hơn Delta thì làn sóng dịch mới với sự kết hợp của 2 biến thể và điều kiện lạnh giá mùa Đông sẽ là “điều tồi tệ nhất” mà bà von der Leyen nhắc đến. Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) cảnh báo biến thể Omicron có thể chiếm hơn một nửa số ca mắc COVID-19 ở EU trong vài tháng tới. Cố vấn của Chính phủ Pháp Jean-Francois Delfraissy nhận định rằng Omicron có thể trở thành biến thể lây nhiễm chủ đạo tại Pháp vào cuối tháng 1/2022 trong khi Na Uy đang có nguy cơ trở thành ổ dịch biến thể Omicron lớn nhất châu Âu khi đã ghi nhận hàng chục ca nhiễm biến thể này chỉ trong một ổ dịch COVID-19 gồm 50 người.
Giới chức y tế Mỹ cũng nhận định sự xuất hiện của biến thể Omicron cho thấy cần duy trì cảnh giác, thay vì hoảng sợ và biện pháp tốt nhất để hạn chế sự lây lan của virus là tiêm vaccine, tăng cường sức khỏe và thực hiện đúng theo các hướng dẫn y tế, trong đó có đeo khẩu trang và giãn cách.
Trong 7 ngày qua, khu vực miền Nam châu Phi chứng kiến số ca mắc mới tăng mạnh, chủ yếu ở Nam Phi. Chỉ trong một tuần sau khi có thông tin về biến thể mới, số ca mắc mới ở Nam Phi đã tăng khoảng 400%, với khoảng 10% số xét nghiệm trong ngày cho kết quả dương tính. Chuyên gia dịch bệnh đầu ngành của nước này, Tulio de Oliveira, mô tả đợt bùng phát mới thực sự đáng sợ, đồng thời kêu gọi người dân đi tiêm phòng và không quên đeo khẩu trang.
Tiến sĩ Matshidiso Moeti, Giám đốc WHO khu vực châu Phi, cho rằng các nước châu lục cần nhanh chóng hành động, đẩy mạnh công tác phát hiện và các biện pháp phòng dịch nhằm ngăn chặn tình trạng gia tăng ca mắc trên toàn châu lục và đẩy hệ thống y tế vốn đã yếu kém vào nguy cơ quá tải. Tuy nhiên, ứng phó hiệu quả với dịch COVID-19 hiện là thách thức khi tỷ lệ tiêm phòng đầy đủ trên toàn châu Phi mới là 7,5%, hơn 80% dân số vẫn chưa được tiêm mũi đầu. Tiến sĩ Moeti lo ngại “hỗn hợp độc hại” gồm các yếu tố tỷ lệ tiêm phòng thấp, virus không ngừng lây lan và biến đổi và sự xuất hiện của Omicron đang gây ra mối đe dọa hiện hữu với châu Phi.
WHO cũng kêu gọi các nước châu Á-Thái Bình Dương củng cố năng lực của hệ thống y tế và tiêm phòng đầy đủ cho người dân để chuẩn bị ứng phó với đợt dịch mới do biến thể Omicron. Các nước khu vực như Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia và Ấn Độ đã ghi nhận sự xuất hiện của Omicron. Nhiều nước đã nhanh chóng siết chặt các quy định về đi lại quốc tế để giảm thiểu nguy cơ biến thể xâm nhập, hạn chế nhập cảnh với những người đến từ 7 quốc gia châu Phi.
Giám đốc WHO phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương Takeshi Kasai cho rằng các biện pháp kiểm soát biên giới có thể giúp kéo dài thời gian nhưng mỗi quốc gia và mỗi cộng đồng cần chủ động chuẩn bị ứng phó với làn sóng dịch bệnh mới, với khả năng lây lan nhanh của biến thể. Quan chức WHO nhấn mạnh các nước cần tận dụng các bài học kinh nghiệm rút ra từ các đợt bùng phát dịch trước đó, đặc biệt là đợt bùng phát biến thể Delta, đảm bảo tiêm phòng đầy đủ cho các nhóm dễ tổn thương và triển khai các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang và giãn cách xã hội.
Trước diễn biến dịch bệnh còn nhiều phức tạp và sự xuất hiện của biến thể Omicron, Việt Nam đang ưu tiên triển khai nghiêm ngặt các biện pháp phòng dịch đã được áp dụng trong thời gian qua. Chính phủ yêu cầu các cơ quan chức năng nắm chắc, bám sát thực tiễn, dự báo tốt tình hình, nhất là diễn biến dịch bệnh có liên quan biến thể mới; kiên trì thực hiện chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19.
Cùng với các chính phủ, các công ty dược phẩm cho biết có thể nhanh chóng sản xuất được các loại vaccine mới. Hiện các hãng dược Pfizer, Moderna, AstraZeneca... đang gấp rút chạy đua sản xuất các loại vaccine đặc hiệu phòng ngừa biến thể Omicron. Tuy nhiên, sự xuất hiện của Omicron cho thấy bất chấp nỗ lực phòng chống dịch và nghiên cứu khoa học phát triển hay điều chỉnh vaccine và thuốc chữa bệnh để thích ứng thì thế giới dường như vẫn “chậm” hơn so với tốc độ biến đổi của virus khi tỷ lệ bao phủ vaccine không đồng đều.
Dù tỷ lệ tiêm phòng trung bình cao như châu Âu hay thấp như châu Phi thì biến thể mới xuất hiện cũng vẫn làm gia tăng áp lực cho tất cả, chừng nào vẫn còn người chưa an toàn trước virus thì cả thế giới vẫn chưa an toàn. Còn cần thêm nhiều tuần nữa để “giải mã” Omicron, nhưng có một thực tế chưa bao giờ thay đổi kể từ khi dịch bùng phát là với một dịch bệnh toàn cầu thì cần cách phản ứng toàn cầu mới có thể hóa giải. Như khẳng định của Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, những nỗ lực nhằm trao cơ hội tiếp cận công bằng vaccine và phối hợp hành động trong các biện pháp ứng phó dịch bệnh toàn cầu sẽ mang lại thành quả, và chỉ khi đó thế giới mới có thể chủ động trước những làn sóng dịch.