Theo Chủ tịch Malpass, WB đã cấp tiền cho các chương trình viện trợ tại hơn 100 quốc gia, trong khuôn khổ cam kết chi 160 tỷ USD trong 15 tháng tới. Đây cũng là nơi sinh sống của 70% dân số thế giới. Mặc dù đây là một cột mốc quan trọng, song WBG cũng dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ giảm 5% trong năm nay, trong đó các quốc gia nghèo nhất sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. Ước tính khoảng 60 triệu người dân sẽ bị đẩy vào tình trạng nghèo đói cùng cực, xóa sạch mọi thành quả đạt được trong công tác xóa đói giảm nghèo suốt 3 năm qua.
Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát tại Trung Quốc vào cuối năm ngoái, gần 5 triệu người đã mắc bệnh và hơn 300.000 người đã tử vong. Cho đến nay, WB đã chi 5,5 tỷ USD để hỗ trợ các hệ thống y tế, kinh tế và dịch vụ xã hội tại những nước nghèo.
Tuy nhiên, Chủ tịch Malpass cho rằng các nỗ lực của WB là không đủ, đồng thời kêu gọi các quốc gia tăng cường viện trợ song phương cho những nước nghèo hơn nhằm đảm bảo phục hồi ổn định. Theo ông, việc khôi phục dòng chảy tiền gửi và du lịch, vốn là nguồn thu nhập chính cho các nước đang phát triển, sẽ là bước đi quan trọng trong việc mở lại nền kinh tế.
Lời kêu gọi giãn nợ của Nhóm các quốc gia phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) cho những nước kém phát triển đã ngày càng nhận được nhiều sự ủng hộ. Theo Chủ tịch Malpass, 14 quốc gia đã nhất trí giãn nợ, 23 quốc gia dự kiến sẽ đề xuất thực hiện, trong khi 17 nước khác đang nghiêm túc xem xét. Ông cho rằng đây là những phản hồi nhanh chóng, tích cực và đáng hoan nghênh với cam kết của G20.