Người dân phương Tây đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi những lệnh trừng phạt đang diễn ra. Và không phải tất cả các nhà lãnh đạo Mỹ và châu Âu đều có thể thuyết phục cử tri về tính hiệu quả của lệnh cấm vấn chống lại Moskva trong bối cảnh thiếu hụt lương thực và năng lượng như hiện nay.
Theo nhật báo Nga Nezavisimaya Gazeta, một vài nhà lãnh đạo phương Tây đã giảm nhẹ lập trường trừng phạt của họ và điều này có thể dẫn đến việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Moskva sau khi phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Giá năng lượng tăng kỷ lục, kết hợp với nguồn cung lương thực giảm, đã ảnh hưởng đến mức sống của những người châu Âu, vốn quen với một cuộc sống thoải mái. Tuy nhiên, tờ báo tuyên bố rằng tác động của các lệnh trừng phạt chống Nga sẽ tích lũy theo thời gian.
Nga và Ukraine chiếm gần 1/3 nguồn cung bột mỳ lớn trên thế giới. Do vậy, việc các cảng biển của Ukraine trên Biển Đen bị đóng cửa kể từ tháng 2/2022 đã khiến hơn 20 triệu tấn ngũ cốc bị ứ đọng tại đây.
Việc gia tăng nguồn cung phân bón và các sản phẩm nông nghiệp của Nga cũng sẽ giúp giảm căng thẳng trên thị trường lương thực toàn cầu, song điều này đòi hỏi các lệnh trừng phạt liên quan được dỡ bỏ.
Ủy ban châu Âu (EC) hôm 30/5 đã bỏ phiếu nhất trí đối với đề xuất cấm vận 75% dầu mỏ của Nga trong gói lệnh trừng phạt thứ 6 đầy trắc trở. Phương án này chỉ nhằm vào hoạt động cung cấp năng lượng bằng đường biển, chứ không bao gồm ống dẫn dầu Druzhba mà Hungary đang phụ thuộc.
Giới chuyên gia cũng nhận thấy các tín hiệu có thể cho thấy rằng phương Tây không chỉ buộc phải chống đỡ trước áp lực trừng phạt của họ, mà còn bắt đầu xem xét bản chất của vị trí của Nga trong cuộc xung đột, có lẽ nhằm tạo cơ sở cho việc gia tăng nguồn cung cấp thực phẩm và phân bón từ Ukraine và Nga.
Ông Alexey Portansky, Giáo sư Khoa Kinh tế Thế giới và Các vấn đề Quốc tế tại Trường Kinh tế Đại học, nói với tờ báo: “Sự không hài lòng của công chúng đang buộc các chính phủ phải tìm kiếm giải pháp và nhượng bộ”.
Sau cuộc thảo luận gần đây giữa các nhà lãnh đạo Nga, Đức và Pháp, quá trình tìm kiếm những giải pháp hòa bình, trong đó có cả việc xoa dịu cuộc khủng hoảng lương thực, có thể sẽ khởi động lại với điều kiện dỡ bỏ các lệnh trừng phạt chống Nga.
Theo chuyên gia Portansky, Moskva đã nắm bắt cơ hội trên để cố gắng đưa ra đề nghị dỡ bỏ trừng phạt nhằm đảm bảo nguồn ngân sách quốc gia, vốn phụ thuộc phần lớn vào hoạt động xuất khẩu hydrocarbon.
Trước đó, ngày 27/5, Nga cho biết nước này đang tìm cách tăng sản lượng ngũ cốc phục vụ xuất khẩu trong mùa vụ tới, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng lương thực trên toàn thế giới ngày càng hiện rõ.
Theo Bộ trưởng Nông nghiệp Nga Dmitry Patrushev, trong mùa vụ 2021-2022, Nga đã xuất khẩu 35 triệu tấn ngũ cốc, trong đó có 28,5 triệu tấn lúa mì. Ông dự báo đến thời điểm kết thúc mùa vụ vào ngày 30/6 tới, xuất khẩu ngũ cốc của Nga sẽ vượt 37 triệu tấn. Bộ trưởng Patrushev cho biết trong mùa vụ tới, bắt đầu từ ngày 1/7/2022, Nga ước tính xuất khẩu ngũ cốc đạt 50 triệu tấn.
Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày 28/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng những khó khăn trong việc cung cấp ngũ cốc cho các thị trường thế giới là kết quả của các chính sách kinh tế và tài chính sai lầm của các nước phương Tây.
Tuyên bố của Điện Kremlin nêu rõ: "Nga sẵn sàng hỗ trợ tìm kiếm các phương án để hoạt động xuất khẩu ngũ cốc không bị cản trở, bao gồm cả việc xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine từ các cảng ở Biển Đen".
Người đứng đầu Điện Kremlin cũng cảnh báo hai nhà lãnh đạo Pháp và Đức không nên tăng cường cung cấp vũ khí cho Ukraine, cho rằng điều này có thể khiến tình hình thêm bất ổn.