Một mạng lưới gồm ít nhất 6.000 máy quay sẽ giám sát hoạt động trên mọi tuyến phố, theo dõi người đi bộ cùng phương tiện để hỗ trợ điều tiết giao thông cũng như báo cáo hành vi khả nghi.
Hãng Reuters đưa tin thiết kế thành phố thông minh trên là điều khác xa so với thực trạng đang tồn tại ở nhiều khu vực ở thủ đô Cairo hiện nay: cơ sở hạ tầng cũ kỹ khiến sóng điện thoại và mạng Internet phập phù, các khu chung cư xây dày đặc vẫn do bảo vệ trông coi, trong khi người dân phải xếp hàng chờ nhiều giờ để xử lý thủ tục hành chính.
Được xây mới từ đầu trên sa mạc, Thủ đô Hành chính Mới của Ai Cập nhằm phục vụ 6,5 triệu cư dân và dự kiến mở cửa đón các công chức đầu tiên đến làm việc vào cuối năm nay.
Mức độ chuyển “trọng tâm” từ Cairo đến thủ đô mới nằm cách sông Nile 45km là bao nhiêu phần trăm vẫn chưa được công bố rõ ràng. Đối với những người dân thường đã nhiều thế hệ sống ở Cairo nhộn nhịp, việc di chuyển và chi phí sẽ là điều không thể tưởng tượng được.
Nhưng đối với những người chuyển nơi ở, họ được hứa hẹn hưởng tiện ích công nghệ tân tiến. Chẳng hạn như, chỉ cần dùng một ứng dụng duy nhất để thanh toán hóa đơn tiện ích, truy cập các dịch vụ địa phương cũng như khiếu nại vấn đề.
Giới chức Ai Cập cho biết những hệ thống công nghệ tiên tiến sẽ giúp giảm thiểu lãng phí điện, nước trong gia đình bằng cách phát hiện rò rỉ hoặc lỗi kỹ thuật, đồng thời cho phép người dân theo dõi mức tiêu thụ thông qua ứng dụng trên điện thoại.
Ông Mohamed Khalil, người đứng đầu phụ trách công nghệ của Thủ đô Hành chính mới, cho biết: “Thông qua ứng dụng, một công dân sẽ có thể quản lý mọi công việc trong cuộc sống từ điện thoại di động. Ngoài ra, mô hình này đang được áp dụng tại tất cả 14 thành phố mới thành lập nhằm thiết lập một hệ thống đồng bộ”.
Một số người Ai Cập quan niệm thủ đô mới phù hợp hơn với giới thượng lưu, do quốc gia này có gần một phần ba dân số sống dưới mức nghèo khổ. Những người khác lại cho rằng việc thúc đẩy đầu tư công nghệ này đã bị trì hoãn quá lâu. Ông Tark Habib, một thương nhân 53 tuổi ở trung tâm Cairo, nhận xét chính sách ứng dụng công nghệ này sẽ rất hữu ích cho công dân.
Ông Khalil cho hay các hợp đồng công nghệ và truyền thông cho thủ đô mới là 640 triệu đô la Mỹ và có thể tăng lên 900 triệu đô la Mỹ trong các giai đoạn sau. Đối tác tham gia gồm Huawei, Orange và Mastercard. Công ty Honeywell sẽ phụ trách triển khai hệ thống camera giám sát mật độ giao thông và đám đông để phát hiện tội phạm, cũng như phát cảnh báo tự động trong tình huống khẩn cấp. Các quan chức cho biết dữ liệu từ hệ thống giám sát sẽ được bảo vệ bởi luật pháp Ai Cập và các tiêu chuẩn quốc tế.