Các cá nhân, công ty nước ngoài nằm trong danh sách này sẽ bị trừng phạt nếu Chính phủ Trung Quốc phát hiện họ có hành vi ngăn chặn hoặc giảm nguồn cung cho doanh nghiệp Trung Quốc vì mục đích phi thương mại.
Theo báo Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP), ba ngày sau khi Trung Quốc công bố kế hoạch lập danh sách đen nói trên, nhiều câu hỏi đã được đặt ra về cơ chế có thể khiến nhiều công ty đa quốc gia cảm thấy bị mắc kẹt trong cuộc chiến thương mại căng thẳng với Mỹ.
Trong cuộc họp báo, Bộ Thương mại không nêu rõ chi tiết hậu quả mà các cá nhân, công ty có thể phải gánh chịu cũng như trực tiếp liên hệ động thái này với tình hình Huawei gần đây. Tuy nhiên, hãng thông tấn quốc gia nêu rõ Bắc Kinh thực hiện động thái này để đáp trả quyết định Huawei của Mỹ.
Huawei bị liệt vào danh sách đen của Mỹ với những cáo buộc cài đặt “sân sau” trên các sản phẩm của mình, từ đó hỗ trợ Chính phủ Trung Quốc thu thập thông tin được gửi và nhận trên thiết bị. Lệnh cấm của Mỹ khiến Huawei bị mất nguồn cung quan trọng cho sản phẩm quốc tế, trong đó có chip Intel và hệ điều hành Android của Google.
Dẫn lời ông Zhi Luxun – Giám đốc Cục Công nghiệp và An ninh thuộc Bộ Thương mại Trung Quốc, Tân Hoa Xã ngày 1/6 cho biết Bắc Kinh sẽ cân nhắc 4 yếu tố sau đây khi quyết định liệu có nên đưa một thực thể nước ngoài vào danh sách đen hay không.
Đầu tiên, phải xem thực thể đó có ngăn chặn hay cắt giảm vật tư cho một hay nhiều công ty Trung Quốc hay không. Thứ hai, hành động đó có mang mục đích phi thương mại hay không. Thứ ba, hành động đó có gây tổn hại nghiêm trọng cho các công ty hoặc ngành công nghiệp Trung Quốc hay không. Và cuối cùng, hành động đó có gây ra mối đe dọa tiềm tàng nào đối với an ninh quốc gia Trung Quốc.
Nếu như các điều kiện trên được áp dụng một cách chặt chẽ, các công ty Mỹ gần đây tuân theo lệnh cấm của Washington ngưng cung cấp các linh kiện chính cho Huawei như Intel, Qualcomm, Microsoft, Google… có thể sẽ nằm trong danh sách mới của Bắc Kinh.
Bên cạnh đó, các công ty châu Âu và Nhật Bản sẽ phải đối mặt với sự lựa chọn, hoặc là theo sự chỉ đạo của Mỹ ngưng cung cấp hàng hóa cho hoạt động thương mại Trung Quốc, hoặc là có nguy cơ bị Bắc Kinh liệt vào danh sách đen.
Trước đó, Trung Quốc rục rịch triển khai một cuộc điều tra đối với công ty chuyển phát nhanh Mỹ FedEx sau khi công ty này không giao các bưu kiện của Huawei tới đúng địa chỉ giao nhận ở châu Á. Bắc Kinh đang tìm cách xác định xem sự cố chuyển hàng của FedEx có gây tổn hại đến các công ty Trung Quốc và vi phạm quy định dịch vụ vận chuyển của quốc gia này hay không.
Tu Xinquan, chuyên gia thương mại thuộc Đại học Kinh tế và Thương mại Quốc tế Bắc Kinh, nhận định: “Thật là sai lầm khi nghĩ rằng Trung Quốc sẽ đuổi các công ty nước ngoài ra khỏi đất nước theo ý muốn với danh sách mới. Ví dụ trong trường hợp của FedEx, Trung Quốc sẽ tiến hành điều tra để tìm chứng cứ, và ngay cả khi có chứng cứ, vẫn còn một quá trình dài cho phép các mục tiêu tự phản biện và tranh luận về những hậu quả có thể xảy đến”.
Chuyên gia Tu tin rằng danh sách được cho là nhắm tới những công ty và cá nhân thể hiện rõ mục đích dã tâm. Còn lại, Trung Quốc vẫn phải duy trì cân bằng giữa việc đe dọa một lượng nhỏ cá nhân, tập thể và việc đảm bảo cho những doanh nghiệp khác rằng Trung Quốc vẫn chào đón họ.
“Bản thân danh sách đen đem đến một thông điệp rằng Trung Quốc còn rất nhiều công cụ để đối phó với Mỹ và cảnh báo các doanh nghiệp Mỹ đừng nên đi quá xa. Nếu như Trung Quốc không làm gì để đáp trả, điều đó sẽ bị coi là dấu hiệu của sự yếu đuối”, Shen Jianguang – một nhà quan sát kinh tế Trung Quốc kỳ cựu – lý giải.
Nhưng ông Shen tin rằng danh sách của Bắc Kinh sẽ không quá dài vì một lệnh trừng phạt đối với cá nhân, công ty nước ngoài trên diện rộng có thể phản tác dụng. Ông nói: “Điều quan trọng nhất đối với Trung Quốc là ngăn chặn tách rời hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, điều sẽ gây ra những thiệt hại to lớn”.