Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon (ảnh) đã phát động sáng kiến "Dự báo, Thích ứng và Phục hồi" nhằm xây dựng khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu tại các nước dễ bị ảnh hưởng nhất trên thế giới tại COP21. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo nhiều nhà quan sát, nhiều nước chủ chốt đã kiên quyết không nhân nhượng trong một loạt vấn đề chính.
Hãng tin AFP dẫn lại các nguồn tin có mặt trong phiên họp kín kéo dài suốt đêm 11/12 tại trung tâm hội nghị Le Bourget, cho hay nhiều nước như Trung Quốc và các quốc gia dầu mỏ vùng Vịnh đã tỏ ra rất cứng rắn. Theo Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius, có ba chủ đề gây bất đồng lớn là việc chia sẻ nỗ lực giảm khí thải giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển, đóng góp tài chính và mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ.
Khoảng 100 quốc gia đòi hỏi giữ nhiệt độ Trái Đất không tăng quá 1,5°C so với thời kỳ tiền công nghiệp được, đặc biệt là các đảo quốc, đang bị nạn nước biến dâng cao đe dọa. Tuy nhiên, mục tiêu này bị một số quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn như Saudi Arabia và Nga phản đối quyết liệt.
Thời hạn xem xét theo hướng gia tăng nỗ lực giảm khí thải, để thúc đẩy quá trình chuyển sang nền kinh tế "xanh" cũng bị đẩy đến năm 2025, lịch trình này được coi là là quá chậm theo quan điểm của các tổ chức bảo vệ môi trường.
Về phương diện tài chính, Saudi Arabia và Iraq bác bỏ nguyên tắc đánh thuế carbon, trong khi đó Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) hay Australia cho rằng phần đóng góp của các nước phát triển là "quá lợi cho các nước đang phát triển". Nhật Bản hay Thụy Sĩ không chấp nhận thỏa thuận đi quá xa về mặt này. Theo Thụy Sĩ, các nước phát triển không thể gánh "trách nhiệm lịch sử" một cách "vô giới hạn".
Với 3 đêm liên tiếp đàm phán không ngừng nghỉ, các nhà đàm phán của 195 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đang đứng trước thử thách rất lớn về sức khỏe và sự kiên nhẫn để có thể cho ra đời một thỏa thuận vào sáng 12/12 (theo giờ Pháp, tức trưa nay theo giờ Việt Nam).