Theo thông cáo của WHO, trường hợp mắc Ebola nói trên được xác nhận sau khi Viện Pasteur ở Cote d’Ivoire ghi nhận các mẫu phẩm nhiễm dịch virus Ebola trên một bệnh nhân, người đã phải nhập viện tại thủ đô hành chính Abidjan sau khi trở về nước từ Guinea.
Các điều tra sơ bộ cho thấy bệnh nhân Ebola nói trên đã nhập cảnh vào Cote d’Ivoire bằng đường bộ và tới Abidjan ngày 12/8 vừa qua. Bệnh nhân nhập viện sau khi có triệu chứng bị sốt và đang được điều trị.
Guinea, quốc gia cũng nằm ở Tây Phi, đã trải qua một đợt bùng phát dịch Ebola kéo dài 4 tháng, được tuyên bố dịch bệnh ngày 19/6/2021. Tuy nhiên, không có dấu hiệu ca mắc Ebola mới đây ở Cote d’Ivoire có liên quan với đợt bùng phát dịch trước đó ở Guinea. Các điều tra sâu hơn và giải trình tự bộ gien sẽ giúp xác định chủng và xem có liệu mối liên hệ nào giữa hai đợt bùng phát dịch ở Guinea và Cote d’Ivoire hay không.
Matshidiso Moeti, Giám đốc khu vực phụ trách châu Phi của WHO, đánh giá: “Hết sức quan ngại khi dịch Ebola bùng phát ở Abidjan, một đô thị lớn với trên 4 triệu dân. Tuy nhiên, châu Phi có nhiều kinh nghiệm của thế giới trong việc đối phó voiws dịch Ebola và Cote d’Ivoire có thể vận dụng kinh nghiệm ấy để phản ứng với tốc độ nhanh nhất. Cote d’Ivoire là 1 trong số 6 nước được WHO hỗ trợ thời gian gần đây nhằm đẩy nhanh việc sẵn sàng ứng phó với Ebola”.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khuyến cáo 6 quốc gia châu Phi cần theo dõi các ca nghi nhiễm virus Ebola sau khi bùng phát những ổ dịch mới tại Guinea và CHDC Congo. Guinea đã tuyên bố bùng phát đợt dịch Ebola mới ngày 14/2, trong khi Congo thông báo tái bùng phát dịch ngày 7/2.
Phát biểu tại họp báo ngày 16/2 ở Geneva (Thụy Sĩ), người phát ngôn WHO, bà Margaret Harris cho biết WHO đã đưa ra cảnh báo đối với ít nhất 6 nước xung quanh, trong đó có Sierra Leone và Liberia, để các nước này nhanh chóng chuẩn bị và sẵn sàng tìm kiếm các ca nghi nhiễm.
Bà Harris cho biết thêm rằng cơ quan y tế đã xác định gần 300 trường hợp tiếp xúc gần với các ca nhiễm Ebola tại CHDC Congo và 125 trường hợp tại Guinea. Theo thông tin cập nhật, Guinea đã ghi nhận 5 ca tử vong và Congo ghi nhận 3 ca trong đợt bùng phát mới này.
Ngày 19/6, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố đợt bùng phát đại dịch Ebola mà Guinea công bố năm nay đã chính thức chấm dứt.
Ebola gây sốt cao và trong trường hợp xấu nhất có thể khiến chảy máu không ngừng. Bệnh lây truyền qua tiếp xúc gần với dịch cơ thể. Những người sống chung hoặc chăm sóc bệnh nhân có nguy cơ nhiễm bệnh cao nhất.
Tuy nhiên, mới đây Guinea đã xác nhận trường hợp đầu tiên mắc Marburg-bệnh sốt xuất huyết do một loại virus tương tự Ebola gây ra. Đây cũng là trường hợp đầu tiên được ghi nhận trong khu vực.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết giới chức tại Guinea đã xác nhận thông tin này vào ngày 2/8. Theo đó, ca mắc đầu tiên là ở tỉnh Gueckedou, phía Nam Guinea.
Kênh RT (Nga) cho biết một người đàn ông đã đến cơ sơ y tế địa phương ở Koundou thuộc tỉnh Gueckedou vào tuần trước. Người này sau đó được chẩn đoán mắc bệnh virus Marburg. Bệnh nhân này đã tử vong sau khi tình trạng của anh ta xấu đi nhanh chóng. Các nhà khoa học tại phòng thí nghiệm sốt xuất huyết quốc gia Guinea và Viện Pasteur ở Senegal sau đó đã xác nhận chẩn đoán với trường hợp này là đúng.
Bệnh Marburg khởi phát đột ngột với triệu chứng sốt cao, đau đầu dữ dội và tình trạng khó chịu. Theo WHO, tỷ lệ tử vong của bệnh virus Marburg là từ 24 đến 88 %, tùy thuộc vào chủng virus và hiệu quả của phản ứng y tế. Không có vaccine hoặc phương pháp điều trị cụ thể chống lại virus Marburg, nhưng một số phương pháp điều trị triệu chứng, bao gồm cấp nước bằng uống hoặc truyền dịch tĩnh mạch, có thể tăng cơ hội sống sót của bệnh nhân.