Tính đến hết ngày 21/7, virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 6.374 người dân ở khu vực Đông Nam Á, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 222.255 ca. Bên cạnh đó, các nước ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 128.749 trường hợp.
Trong 24 giờ qua, Indonesia là quốc gia có số ca tử vong cao nhất khu vực trong khi Philippines có ca nhiễm mới cao nhất. Cùng ngày Việt Nam ghi nhận thêm 12 ca lây nhiễm mới, đều là công dân trở về từ Nga, được cách ly ngay khi nhập cảnh và không có nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng. Như vậy, Việt Nam tới nay có 396 trường hợp mắc COVID-19 và đã điều trị khỏi cho 365 người.
Myanmar mở cửa lại trường học
Ngày 21/7, Myanmar đã mở cửa trở lại hơn một nửa số trường trung học của nước này sau gần 2 tháng phải đóng cửa do dịch bệnh. Theo nguồn tin từ Bộ Giáo dục Myanmar, trong giai đoạn đầu của quá trình mở cửa trở lại các trường học, 3.772 trong tổng số 5.830 trường trung học ở nước này đã được phép đón học sinh đến lớp. Tuy nhiên, các trường học phải tuân thủ những quy định về phòng ngừa dịch bệnh như bảo đảm giãn cách xã hội.
Bộ Y tế và Thể thao Myanmar cho biết tính đến ngày 21/7, nước này ghi nhận tổng cộng 341 ca bệnh và 6 ca tử vong do COVID-19.
Philippines bắt giữ người không đeo khẩu trang
Ngày 21/7, Bộ Y tế Philippines cho biết nước này có thêm 1.951 ca nhiễm mới và 2 ca tử vong, theo đó tổng số ca bệnh tăng lên 70.764 người và tổng số người chết là 1.837 trường hợp.
Sáng cùng ngày, Tổng thống Rodrigo Duterte đã cảnh báo bắt giữ bất kỳ ai không đeo khẩu trang hoặc vi phạm quy định về giãn cách xã hội sau khi số ca bệnh và tử vong tăng trở lại kể từ khi lệnh phong tỏa được nới lỏng vào tháng 6.
Với việc vùng Thủ đô Manila được đặt dưới lệnh Cách ly cộng đồng cơ bản (GCQ), để khởi động lại nền kinh tế, trong khi Vùng Cebu vẫn đang bị Cách ly cộng đồng tăng cường (ECQ), Philipines đang là quốc gia duy trì cách ly phòng dịch lâu nhất thế giới. Đã 126 ngày kể từ khi ECQ được áp đặt lần đầu tiên ở Philippines vào ngày 17/3.
Indonesia thành lập Ủy ban hồi phục kinh tế hậu COVID-19
Tổng thống Indonesia Joko Widodo ngày 21/7 đã ký sắc lệnh thành lập Ủy ban Hồi phục Kinh tế và Giảm thiểu tác động COVID-19 Quốc gia, nhằm vừa hồi sinh nền kinh tế vừa chiến đấu với làn sóng ca lây nhiễm mới.
Bộ trưởng Doanh nghiệp nhà nước Erick Thohir sẽ lãnh đạo Ủy ban mới, được thành lập dựa trên sự hợp nhất của hai lực lượng đặc nhiệm cũ, gồm đặc nhiệm kinh tế và lực lượng đặc nhiệm giảm thiểu tác động của dịch COVID-19.
Trong một bài đăng trên trang Facebook ngày 21/7, Tổng thống Joko Widodo cho biết Ủy ban mới được giao nhiệm vụ giải quyết một số vấn đề, bao gồm giám sát nguồn cung cấp dụng cụ xét nghiệm và quá trình phát triển vắc-xin COVID-19. "Với nhóm tích hợp này, việc lập kế hoạch và thực hiện các chương trình về giảm thiểu tác động COVID-19 và phục hồi kinh tế có thể diễn ra đồng thời, vì cả hai khu vực được quản lý bởi một tổ chức duy nhất để phối hợp ở mức cao nhất", ông Widodo cho biết.
Tính đến ngày 21/7, Indonesia đã ghi nhận 89.869 trường hợp mắc COVID-19 và 4.320 ca tử vong, cao nhất ở Đông Nam Á và vượt qua Trung Quốc đại lục.
Đất nước này đã nới lỏng các biện pháp hạn chế theo trạng thái "bình thường mới" nhưng lại chứng kiến các ca lây nhiễm bùng phát ở nhiều nơi trên đất nước khi các đám đông tụ tập nơi công cộng và bỏ qua các quy tắc giãn cách xã hội.
Thái Lan gia hạn thị thực cho người nước ngoài mắc kẹt
Ngày 21/7, Thái Lan đã thông qua quyết định gia hạn thị thực tự động cho người nước ngoài mắc kẹt tại nước này do các lệnh hạn chế đi lại, tới ngày 26/9. Đây là lần gia hạn thị thực tự động thứ ba của Thái Lan.
Thái Lan đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp từ ngày 26/3, đồng thời đóng cửa biên giới. Từ ngày 4/4, nước này mở rộng lệnh cấm đối với toàn bộ các chuyến bay dân dụng quốc tế, khiến hàng ngàn du khách nước ngoài mắc kẹt và phải đổ tới các văn phòng di trú để xin gia hạn visa. Để tránh các cuộc tụ tập đông người, chính phủ đã cho phép gia hạn visa tự động kể từ ngày 8/4.
Ngày 21/7, Thái Lan ghi nhận 5 ca COVID-19 mới, đều là công dân Thái trở về từ nước ngoài, nâng tổng số ca bệnh lên 3.255 người, với 58 ca tử vong.
Cùng ngày, Singapore ghi nhận 399 ca mắc COVID-19 mới, như vậy tổng số người bệnh tại nước này tăng lên 48.434 ca, trong đó có 58 trường hợp tử vong. Trong số các ca nhiễm mới vẫn có 9 trường hợp lây nhiễm cộng đồng, còn lại là các công nhân nhập cư.
Tại Malaysia, nhà chức trách thông báo nước này sẽ tái áp dụng quy định cách ly bắt buộc tại các trung tâm của chính phủ đối với những người trở về từ nước ngoài, kể từ ngày 24/7 tới. Những người thực hiện cách ly bắt buộc sẽ phải tự chi trả chi phí lưu trú, bất kể là ở khách sạn hay trung tâm cách ly.
Theo Bộ Y tế Malaysia, trong ngày 21/7, nước này ghi nhận thêm 15 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm tại đây lên 8.815 ca. Số ca tử vong vẫn ở nguyên mức 123 ca.