Trong ngày 23/10, Thái Lan đứng thứ đầu ASEAN về ca mắc với 9.742 ca, nâng tổng số ca từ đầu dịch lên 1.841.131 ca.
Quốc gia ghi nhận ca mắc cao thứ hai là Malaysia với 6.630 ca. Tới nay, Malaysia đã ghi nhận tổng cộng 2.420.222 ca mắc COVID-19.
Đứng số 3 ASEAN về ca mắc hàng ngày là Philippines với 5.807 ca. Tổng số ca mắc tại quốc gia này đã là 2.751.667 ca.
Tiếp đó là Singapore với 3.637 ca, Việt Nam với 3.373 ca, Myanmar với 925 ca, Indonesia với 802 ca mắc, Lào với 467 ca, Brunei với 229 ca và Campuchia với 144 ca.
Về số ca tử vong, cả 10 quốc gia ASEAN đều ghi nhận ca tử vong mới: Malaysia (78 ca), Việt Nam (77 ca), Thái Lan (74 ca), Philippines (65 ca), Myanmar (26 ca), Indonesia (23 ca), Singapore (14 ca), Campuchia (10 ca), Lào (1 ca) và Brunei (1 ca).
Lào lo ngại nguy cơ lây nhiễm COVID-19 trên diện rộng
Bộ Y tế Lào ngày 23/10 cho biết trong 24 giờ qua nước này ghi nhận 467 ca mắc mới COVID-19 và 1 ca tử vong.
Thông báo của Bộ Y tế Lào nêu rõ trong số các ca mắc mới có tới 449 ca lây nhiễm trong cộng đồng ghi nhận tại 10 tỉnh, thành; còn lại là các ca nhập cảnh được cách ly ngay. Thủ đô Viêng Chăn tiếp tục là điểm nóng dịch bệnh khi ghi nhận 232 ca mắc mới trong một ngày, theo đó 216 bản tại 9 quận được quy định là vùng đỏ.
Bộ Y tế Lào cũng cho biết, ca mới tử vong do COVID-19 tại nước này là một người đàn ông 66 tuổi ở thủ đô Viêng Chăn có bệnh lý về thận, xương khớp; bệnh chuyển nặng nhanh và không qua khỏi. Như vậy, đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại Lào đã lên tới 34.985 ca, trong đó có 50 ca tử vong.
Trước tình hình trên, Bộ Y tế Lào yêu cầu các địa phương khẩn trương truy vết người tiếp xúc gần với các ca lây nhiễm cộng đồng gần đây nhằm nỗ lực giảm nguy cơ bùng phát trên diện rộng. Hiện cơ quan chức năng đang tăng cường phun khử trùng tại các địa điểm có liên quan đến ca mắc COVID-19. Bộ Y tế Lào cũng kêu gọi người dân có triệu chứng nghi ngờ hoặc từng tiếp xúc với ca mắc COVID-19 cần khẩn trương đi lấy mẫu xét nghiệm tại các cơ sở y tế hoặc liên hệ với các nhóm xét nghiệm lưu động ở các khu vực đang có lây nhiễm cộng đồng.
Campuchia bỏ lệnh cấm các chuyến bay từ 3 nước Đông Nam Á
Ngày 23/10, Campuchia đã dỡ bỏ lệnh cấm tất cả các chuyến bay từ Malaysia, Indonesia và Philippines, sau khi hầu hết người dân ở vương quốc này đã được tiêm vaccine phòng COVID-19.
Trong thông cáo báo chí, Bộ trưởng Y tế Campuchia Mam Bunheng cho biết Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen đã đưa ra quyết định trên và quyết định có hiệu lực ngay lập tức. Thông cáo nêu rõ: "Đây là một phần trong kế hoạch hành động của Campuchia mở lại dần các hoạt động kinh tế và xã hội trong mọi lĩnh vực thông qua việc thích ứng với trạng thái bình thường mới và kích hoạt lại các dịch vụ vận tải đường không".
Campuchia cấm tất cả các chuyến bay từ 3 nước trên từ tháng 8/2020 để ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan. Quyết định dỡ bỏ lệnh cấm này được đưa ra sau khi Campuchia đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine ngừa COVID-19 cho 13,65 triệu người, tương đương 85,33% tổng dân số 16 triệu người của nước này. Trong số đó, 12,94 triệu người (80,8%) đã tiêm đầy đủ 2 mũi và 1,62 triệu người (10,1%) đã được tiêm mũi tăng cường.
Trong khi đó, Tổng Thư ký Hội đồng Phát triển Campuchia (CDC), Sok Chenda Sophea, cho biết Campuchia sẽ sớm đưa ra kế hoạch phục hồi kinh tế hậu COVID-19 theo hình thức bình thường mới, trong bối cảnh tỷ lệ tiêm phòng của nước này ở mức cao 85,33% trên tổng số dân khoảng 16 triệu người tính đến ngày 22/10/2021.
Gần 95% người trưởng thành ở Malaysia hoàn thành tiêm chủng
Bộ Y tế Malaysia (MOH) thông báo tính đến ngày 22/10, tổng cộng 22.109.534 người ở nước này - tương đương 94,4% dân số trưởng thành - đã hoàn thành tiêm vaccine COVID-19.
Với 157.999 liều vaccine được sử dụng trong ngày 22/10, tổng số vaccine COVID-19 mà Malaysia đã sử dụng kể từ khi bắt đầu chương trình tiêm chủng quốc gia vào ngày 24/2 đến nay đã đạt 48.831.214 liều. Hiện 2,54 triệu trẻ vị thành niên từ 12-17 tuổi - tương đương 80,8% nhóm dân số độ tuổi này - đã tiêm ít nhất một mũi vaccine, trong đó 1.456.265 trẻ đã tiêm chủng đủ liều.
Singapore: Người lao động phải tiêm vaccine đầy đủ trước khi trở lại nơi làm việc
Bộ Y tế nước này (MOH) ngày 23/10 thông báo, bắt đầu từ ngày 1/1/2022, chỉ những người đã tiêm đầy đủ vaccine ngừa COVID-19 hoặc những người đã khỏi bệnh hoàn toàn trong vòng 270 ngày trước thời điểm đó ở nước này mới được quay trở lại nơi làm việc.
Trong cuộc họp báo của Ủy ban Liên bộ chống COVID-19 Singapore (MTF), MOH nêu rõ những người lao động chưa tiêm đầy đủ vaccine ngừa COVID-19 muốn quay trở lại nơi làm việc sẽ phải có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 được MOH chấp nhận và còn hiệu lực trong thời gian người đó dự kiến ở lại nơi làm việc, và họ sẽ phải chịu hoàn toàn các chi phí xét nghiệm. Các quy định này cũng được áp dụng đối với đối tượng lao động là phụ nữ đang mang thai hoặc những người không thể tiêm vaccine vì các lý do sức khỏe.
Cũng trong buổi họp báo, MOH cho biết bắt đầu từ ngày 1/11 tới, những người có chứng nhận không đủ điều kiện để tiêm bất kỳ loại vaccine ngừa COVID-19 nào trong chương trình tiêm chủng quốc gia của Singapore sẽ được phép vào các trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm, các khu ăn uống tập trung… cũng như tham gia một số hoạt động nhất định. Ngoài ra, Hiệp hội Nhân dân Singapore (PA) cũng sẽ bắt đầu tổ chức các hoạt động dành cho những người cao tuổi đã được tiêm vaccine đầy đủ, nhưng trước mắt sẽ chỉ ở một số địa điểm và trong những khung thời gian nhất định.
Bên cạnh đó, Chương trình hồi phục tại nhà sẽ được mở rộng diện áp dụng tới nhóm đối tượng phụ nữ mang thai mắc COVID-19, với điều kiện họ ở độ tuổi dưới 35, mang thai dưới 26 tuần và đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19 đầy đủ. Những bệnh nhân này sẽ phải được đánh giá kỹ lưỡng đủ điều kiện về mặt lâm sàng tại một số bệnh viện nhất định trước khi tiến hành chữa trị tại nhà.