COVID-19 tại ASEAN hết 5/12: Campuchia dỡ lệnh cấm với Châu Phi; Việt Nam vượt 1,3 triệu ca bệnh

Trong 24 giờ qua, các nước ASEAN ghi nhận gần 30.000 ca nhiễm mới, 321 ca tử vong. Campuchia dỡ bỏ lệnh cấm với một loạt quốc gia Châu Phi do biến thể Omicron, trong khi với trên 14.300 ca mới trong ngày 5/12, Việt Nam ghi nhận trên 1,3 triệu ca bệnh.

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine COVID-19 cho người dân ở tỉnh Songkhla, Thái Lan ngày 18/11/2021. Ảnh: AFP 

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 5/12, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 26.643 ca mắc mới COVID-19 và 406 ca tử vong. Tổng số ca bệnh hiện đã lên tới 14.229.449 trường hợp và 294.297 ca tử vong. Toàn khối có 13.364.605 bệnh nhân đã bình phục.

Tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á tiếp tục xu thế giảm nhiệt ở nhiều quốc gia và đi ngang ở một số nước khác. Ca nhiễm mới ở Philippines giảm đáng kể so với thời kỳ đỉnh cao, chỉ còn 603 ca trong ngày 5/12. Tuy nhiên số ca tử vong mới ở nước này vẫn khá cao, với 156 trường hợp. Trong những tuần gần đây, Philippines đã nới lỏng các biện pháp hạn chế trong bối cảnh tỉ lệ lây nhiễm giãm xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm và tỉ lệ tiêm chủng trên toàn quốc tăng. Tuy nhiên, ngày 28/11, nước này đã siết chặt hơn nữa kiểm soát biên giới nhằm ngăn chặn biến thể Omicron.

Cùng ngày, Việt Nam ghi nhận 14.314 ca nhiễm mới, đứng đầu khu vực, nâng tổng số ca mắc lên 1.309.092 trường hợp, và 199 ca tử vong mới, đưa tổng số ca tử vong do COVID-19 lên 26.260 người. Cho đến nay, nước ta đã có 1.009.277 bệnh nhân hồi phục.

Chú thích ảnh
Các phương tiện di chuyển trên phố ở Phnom Penh, Campuchia ngày 17/11/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Thái Lan đứng thứ hai khu vực về ca nhiễm mới, với 4.708 ca trong 24 giờ qua. Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha ngày 2/12 khẳng định chính phủ sẽ không áp đặt lệnh phong tỏa quốc gia bất chấp những lo ngại trên thế giới về biến thể Omicron, song việc đóng cửa các địa điểm giải trí có thể sẽ được kéo dài. Thái Lan đã cấm nhập cảnh đối với du khách (ngoại trừ công dân Thái Lan) đến từ 8 quốc gia châu Phi gồm Botswana, Eswatini, Lesotho, Malawi, Mozambique, Namibia, Nam Phi và Zimbabwe từ đầu tháng này do lo ngại biến thể Omicron. Những người đến từ các quốc gia ở châu Phi không thuộc diện cấm vẫn phải cách ly trong 14 ngày và phải xét nghiệm COVID-19 nhiều lần. 

Ca nhiễm tại Malaysia hai ngày gần đây đã giảm xuống dưới ngưỡng 5.000 ca, với 4.298 ca trong ngày 5/12. Với sự xuất hiện biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2, Chính phủ Malaysia đã quyết định tạm dừng các biện pháp chuyển sang giai đoạn xác định COVID-19 là bệnh đặc hữu.

Trong khi đó, Campuchia chỉ ghi nhận 24 ca nhiễm mới và 4 ca tử vong mới trong ngày. Từ ngày 30/11, Campuchia đã quyết định cho phép các quán karaoke, câu lạc bộ đêm và quán bar tại thủ đô Phnom Penh được mở cửa trở lại sau một thời gian dài ngừng hoạt động do đại dịch COVID-19. Quyết định này được đưa ra sau khi phần lớn dân số Campuchia đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 và số ca nhiễm mới ghi nhận hằng ngày giảm đáng kể. 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan. Ảnh: THX/TTXVN

Ca nhiễm tại Singapore được kiểm soát quanh mức 700 ca/ngày. Hôm 2/12, nước này đã ghi nhận 2 ca nhiễm biến thể mới Omicron là những trường hợp nhập cảnh và không tiếp xúc với cộng đồng. 

Ngày 4/12, Singapore đã quyết định thắt chặt hơn nữa cơ chế xét nghiệm đối với với những người nhập cảnh qua Làn Đi lại cho người đã tiêm vaccine (VTL), đồng thời đóng cửa đường biên với thêm 3 quốc gia, nhằm ngăn chặn nguy cơ biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 xâm nhập nước này. Tuy vậy, Tiến sĩ Jayant Menon, chuyên gia Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS-Yusof Ishak Institute) có trụ sở tại Singapore cho rằng "Không nên hành động thái quá khi đối phó với dịch bệnh COVID-19"  được hỏi về sự xuất hiện của biến thể mới Omicron và những bài học rút ra từ các biện pháp đối phó của các chính phủ trong khu vực và trên thế giới.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế kiểm tra thân nhiệt của người dân tại trạm kiểm soát ở Rimnam, tỉnh Narathiwat, Thái Lan. Ảnh: AFP/ TTXVN

Campuchia dỡ bỏ lệnh cấm du khách tới từ các nước châu Phi

Ngày 5/12, Bộ trưởng Y tế Campuchia Mam Bunheng thông báo nước này đã dỡ bỏ lệnh cấm du khách tới từ 10 quốc gia châu Phi sau gần một tuần ban hành do sự xuất hiện của biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2. 

Theo Bộ trưởng Mam Bunheng, được sự thông qua của Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen, Bộ Y tế đã quyết định dỡ bỏ lập tức lệnh cấm đối với du khách tới từ các nước Botswana, Eswatini, Lesotho, Mozambique, Namibia, Nam Phi, Zimbabwe, Malawi, Angola và Zambia. Tuy nhiên, du khách tới từ 10 quốc gia trên cũng như những người từng tới các nước này trong vòng 2 tuần vừa qua cần phải được xét nghiệm nhanh COVID-19 ngay khi tới Campuchia. Ông Mam Bunheng nêu rõ: "Nếu kết quả xét nghiệm âm tính, họ cần phải cách ly 7 ngày và làm xét nghiệm PCR vào ngày cách ly thứ 6". 

Chú thích ảnh
 Học sinh đến trường ở Phnom Penh, Cambodia ngày 1/11/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Bộ trưởng Y tế Campuchia cũng cho biết các du khách đã tiêm chủng đầy đủ vaccine phòng COVID-19 cần trình giấy chứng nhận y tế xác nhận họ đã xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ trước khi tới Campuchia, trong khi những người chưa tiêm vaccine sẽ phải cách ly đủ 14 ngày.

Campuchia đảo ngược lệnh cấm đi lại sau khi Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres hôm 29/11 bày tỏ vô cùng quan ngại về sự cô lập đối với các nước khu vực miền Nam châu Phi do các biện pháp hạn chế đi lại được áp dụng vì biến thể Omicron.

Lào tiếp tục cấm cá nhân ra vào khu vực có lây nhiễm

Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trở lại, Chính phủ Lào tiếp tục cấm cá nhân ra vào khu vực có lây nhiễm (vùng đỏ) theo quy định của Ủy ban chuyên trách, ngoại trừ người được chính quyền địa phương cấp phép và xe chở hàng hóa. 

Theo phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn, Chính phủ Lào đồng thời giao các bộ, cơ quan tương đương, doanh nghiệp tại thủ đô Viêng Chăn và các tỉnh có dịch lây nhiễm trong cộng đồng cho phép cán bộ và công chức luân phiên trực ban hoặc làm việc tại nhà qua hệ thống điện tử. Riêng đối với người có nguy cơ và phụ nữ có thai không thể tiêm vaccine thì cho làm việc ở nhà.

Bộ Y tế Lào ngày 5/12 cho biết, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 1.364 ca mắc mới COVID-19 tại 18 tỉnh, thành phố và 6 ca tử vong do COVID-19, trong đó có 5 ca là người nhập cảnh. Sau 1 ngày có chiều hướng giảm, số ca mắc COVID-19 tại Lào đã tăng cao trở lại (tăng 395 ca so với ngày 4/12). Đáng chú ý, thủ đô Viêng Chăn ghi nhận số ca cộng đồng gia tăng với 658 ca trong một ngày tại 194 bản thuộc 9 quận, tăng 208 ca so với ngày 4/12, tiếp tục đứng đầu cả nước. Như vậy, đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại Lào là 79.833 ca, trong đó có 207 ca tử vong.

Liên quan tới nỗ lực chống dịch COVID-19, Lào vừa tiếp nhận 500.000 liều vaccine của hãng Sinovac (Trung Quốc) do Chính phủ Hoàng gia Campuchia viện trợ.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan, ngày 26/11/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Singapore: Các vaccine hiện nay vẫn bảo vệ được trước biến thể Omicron

Trong cập nhật về biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 ngày 5/12, Bộ Y tế Singapore (MOH) cho rằng còn quá sớm để kết luận về mức độ nặng của bệnh COVID-19 mà biến thể này có thể gây ra. Trong khi đó, các nhà khoa học đang chia sẻ quan điểm rằng các vaccine phòng COVID-19 hiện nay vẫn có hiệu quả trước Omicron

Theo MOH, các thông tin kỹ lưỡng hơn về biến thể mới này dự kiến sẽ có trong vài tuần tới, khi mà các nghiên cứu về hiệu quả của vaccine cũng như khả năng Omicron gây bệnh nặng hơn hay nhẹ hơn các biến thể trước đây đang được tiến hành. Cập nhật trên của MOH được đưa ra sau khi bộ này xem xét các thông tin từ Nam Phi và những nước khác về các ca mắc COVID-19 do nhiễm biến thể Omicron.

Chú thích ảnh
Khách hàng dùng bữa tại một nhà hàng trong trung tâm thương mại ở Singapore, ngày 14/5/2021. Ảnh: AFP/ TTXVN

Về mức độ lây nhiễm, MOH cho rằng theo những đánh giá ban đầu từ Nam Phi nói riêng và toàn cầu nói chung, biến thể Omicron có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm. Ngoài ra, so sánh với các biến thể Delta và Beta, dường như Omicron cũng làm tăng nguy cơ tái nhiễm ở những người đã bình phục sau khi mắc COVID-19.

Về xét nghiệm, MOH nhấn mạnh các nghiên cứu cho thấy ngoài xét nghiệm PCR, xét nghiệm nhanh ART cũng hiệu quả trong phát hiện các ca nhiễm Omicron. Chính vì thế, xét nghiệm vẫn là một công cụ chủ chốt để phát hiện và khống chế sớm sự lây nhiễm.
Theo MOH, các ca nhiễm biến thể Omicron được phát hiện trên thế giới chủ yếu có triệu chứng nhẹ và chưa có ca tử vong nào. Các triệu chứng thường gặp bao gồm đau họng, mệt mỏi và ho./.

 

Thu Hằng/Báo Tin tức
Thế giới tuần qua: Biến thể Omicron gây lo ngại toàn cầu; OPEC+ tăng sản lượng dầu
Thế giới tuần qua: Biến thể Omicron gây lo ngại toàn cầu; OPEC+ tăng sản lượng dầu

Biến thể Omicron lan rộng cùng với quyết định của OPEC+ về tăng thêm nguồn cung ra thị trường dầu mỏ là hai vấn đề thế giới nổi bật tuần qua.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN