COVID-19 tới 6 giờ sáng 1/10: Thế giới vượt 34 triệu ca bệnh; Châu Âu và Mỹ Latinh vẫn là tâm dịch

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 278.972 trường hợp mắc COVID-19 và 5.402 ca tử vong. Tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu tăng lên trên 34 triệu người.

Chú thích ảnh
 Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại một bệnh viện ở Greater Noida, Ấn Độ ngày 15/7/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 1/10 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 34.112.876 ca, trong đó có 1.017.411 người thiệt mạng.

Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 213 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 25.378.944 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch giảm còn  66.018 ca và 7.716.521 ca đang điều trị tích cực.

Ngày 30/9, thế giới có tới 135 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 87 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. So với các ngày qua, số ca tử vong và ca bệnh mới tại nhiều nước trên thế giới ghi nhận trong 24 giờ qua giảm nhẹ, nhất là ở các tâm dịch Mỹ, Ấn Độ và Brazil.  

Chú thích ảnh
 Người dân xếp hàng chờ lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại New York, Mỹ ngày 18/9/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong vòng 1 ngày qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới là Ấn Độ (86.748 ca), Mỹ (35.617 ca), Brazil (30.618 ca) và Pháp (12.845 ca); trong khi đó Ấn Độ (với 1.179 ca), Brazil (952 ca), Mỹ (847 ca) và Mexico (với 560 ca) là những quốc gia ghi nhận số ca tử vong cao nhất.  

Dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, tiềm ẩn nguy cơ lớn. Diễn biến dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi một số quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới. Châu Âu lại đối mặt với đợt bùng phát dịch mới khi số ca bệnh tăng mại trở lại ở các nước thành viên. Trong khi khu vực Bắc Mỹ và Mỹ Latinh vẫn là vùng dịch nghiêm trọng nhất.

Về tổng thể, Mỹ tới nay là quốc gia chịu tác động mạnh nhất với hơn 7.441.763 triệu ca mắc và 211.632 ca tử vong. Trong đó, tỷ lệ xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 tại New York cao đáng lo ngại, mức trên 3% lần đầu tiên trong nhiều tháng qua, buộc nhà chức trách phải siết chặt các hạn chế. Đứng thứ hai là Ấn Độ với 6.310.267 triệu ca mắc và 98.708  ca tử vong. Tiếp đến là Brazil có trên 4,8 triệu ca mắc và 143.962 ca tử vong.

Chú thích ảnh
 Khách du lịch đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Rio de Janeiro, Brazil ngày 15/8/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Gần 7 tháng kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát tại Mỹ Latinh, khu vực này đang là nơi bị tác động và khó kiểm soát nhất dịch bệnh chết người trên, khi chiếm tới 33,8% số ca tử vong và 27% số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu.

Đây là kết luận được đưa ra trong cuộc họp lần thứ 58 của Hội đồng quản trị Tổ chức Y tế liên châu Mỹ (PAHO) – nhánh châu lục của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong đó tổng kết Mỹ Latinh đã ghi nhận hơn 3.000 ca tử vong và 9,2 triệu ca nhiễm SARS-CoV-2.

PAHO cảnh báo trong số 10 quốc gia có số ca lây nhiễm cao nhất thế giới, đã có 5 nước Mỹ Latinh, gồm Brazil đứng thứ 3 (trên 4,8 triệu ca), Colombia thứ 5 (hơn 818.000), Peru thứ 6 (805.000 ca), Mexico thứ 8 (733.000 ca) và Argentina thứ 9 (723.000 ca); còn trong 5 quốc gia có số ca tử vong cao nhất thế giới, khu vực này cũng đóng góp 2 “đại diện” là Brazil thứ 2 (142.000) và Mexico thứ 4 (76.000), vượt trên cả các nước từng bùng phát dịch trước và có lúc đứng hàng đầu danh sách như Anh, Italy, Pháp và Tây Ban Nha.

Chú thích ảnh
 Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Mumbai, Ấn Độ ngày 12/9/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Tại châu Á, Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ (ICMR) ngày 30/9 đã tiến hành đợt xét nghiệm huyết thanh lần thứ hai trên phạm vi toàn quốc trong khoảng thời gian từ ngày 17/8 - 22/9 đối với 29.082 người từ 10 tuổi trở lên.

Kết quả cho thấy khoảng 6,6% số người được khảo sát, tương đương tỷ lệ 1/15 người tại Ấn Độ (quốc gia có trên 1 tỷ dân) đã bị nhiễm virus SARS-CoV-2. Đối với những người từ 18 tuổi trở lên, tỷ lệ này còn cao hơn ở mức 7,1%.

Trong khi đó, chính quyền Hàn Quốc yêu cầu người dân hạn chế đi lại để giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh vào dịp lễ Trung Thu - kỳ nghỉ lễ lớn nhất ở Hàn Quốc. Kỳ nghỉ Trung Thu năm nay ở Hàn Quốc kéo dài từ ngày 30/9 - 4/10 trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 hoành hành. Vào dịp lễ này, người dân trên cả nước Hàn Quốc đi lại nhiều và sum họp gia đình.

Về việc phân phối vaccine, ngày 30/9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân (Wang Wenbin) cho biết nước này sẽ chia sẻ vaccine phòng ngừa bệnh COVID-19 với thế giới như một loại hàng hóa chung trên toàn cầu với giá công bằng và hợp lý. Ông cũng cho biết ưu tiên sẽ được giành cho các nước đang phát triển trong việc phân phối vaccine thông qua nhiều cách thức khác nhau, trong đó có hình thức viện trợ miễn phí.

Chú thích ảnh
 Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 29/9/2020.Ảnh: THX/TTXVN

Tại khu vực Trung Đông, Bộ Y tế Jordan ngày 30/9 thông báo nước này ghi nhận 1.767 ca nhiễm mới, mức tăng theo ngày cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại đây.

Iran cũng ghi nhận 183 ca tử vong mới, nâng tổng số ca tử vong lên 26.169 ca, mức cao nhất tại khu vực Trung Đông. Trong khi đó, tổng số ca nhiễm tại Iran hiện tăng lên 457.219 ca sau khi có thêm 3.582 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ qua.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 30/9 cảnh báo lệnh phong tỏa toàn quốc do dịch COVID-19 có thể kéo dài nhiều tháng, thậm chí là một năm. Nhận định trên được ông Netanyahu đưa ra trong cuộc họp tối với các bộ trưởng trong Nội các COVID-19. Thủ tướng Israel cho rằng "chiến lược lối thoát của chúng ta (nhằm dỡ bỏ phong tỏa) lần này sẽ triển khai chậm rãi và có thể phải mất nửa năm tới một năm".

Thời gian qua, chính phủ Israel bị phản đối do dỡ bỏ các quy định hạn chế quá nhanh chóng sau lệnh phong tỏa lần thứ nhất hồi tháng 3-4/2020, cũng như việc chậm chạp trong việc tái áp đặt các quy định khi tỷ lệ lây nhiễm bắt đầu tăng cao trong tháng 7/2020.

Tình hình dịch COVID-19 tại Israel hiện đang diễn biến hết sức phức tạp, với hàng nghìn bệnh nhân mới mỗi ngày. Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát đến nay, Israel đã có 243.895 ca mắc, với 1.552 trường hợp tử vong. Trong số này, 174.232 người đã bình phục. Hiện Israel có .111 bệnh nhân.

Chú thích ảnh
 Du khách đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Vama Veche, Romania, ngày 7/9/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Tại khu vực châu Âu, Chính phủ Romania ngày 30/9 thông báo trong vòng 24 giờ qua, nước này ghi nhận 2.158 ca nhiễm mới, mức tăng theo ngày cao nhất từ trước đến nay, nâng tổng số ca nhiễm lên 127.572 ca, trong đó 4.825 ca tử vong, tỷ lệ tử vong cao nhất khu vực Đông Âu. Trước bối cảnh tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Chính phủ Romania đã gia hạn tình trạng cảnh báo đến giữa tháng 10 tới.

Chính phủ Phần Lan đã quyết định rút ngắn giờ mở cửa của các nhà hàng và quán bar để đối phó với tình hình số ca nhiễm mới đang ngày càng gia tăng. Theo quy định mới, từ ngày 8/10, tất cả các nhà hàng và quán bar trên khắp Phần Lan phải đóng cửa lúc 1 giờ sáng và ngừng bán rượu sau 12 giờ đêm.

Tại những khu vực mà tình trạng lây nhiễm đã đạt đến "giai đoạn tăng tốc", các nhà hàng và quán bar sẽ phải đóng cửa sớm hơn - vào lúc 11 giờ tối và kết thúc bán rượu lúc 10 giờ tối. Ngoài ra, các nhà hàng cũng chỉ được phép phục vụ 50% số khách so với mức thông thường. Hiện Phần Lan đã ghi nhận 9.892 trường hợp mắc COVID-19.

Chú thích ảnh
 Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại một bệnh viện ở Lviv, Ukraine ngày 30/6/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Hội đồng An ninh Quốc gia Ukraine cho biết nước này ghi nhận số ca mắc mới trong ngày ở mức cao nhất từ trước tới nay với 4.027 ca trong 24 giờ qua. Tính đến ngày 30/9, Ukraine công bố tổng cộng 208.959 ca mắc, trong đó có 4.129 ca tử vong.

Ngày 30/9, hãng thông tấn Séc (ČTK) ngày 30/9 cho biết chính phủ Séc đã quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp theo đề xuất của Bộ trưởng Y tế Séc Roman Prymula, có hiệu lực từ 0h00 ngày thứ Hai (5/10) với thời hạn 30 ngày, cùng với các biện pháp hạn chế mới để ứng phó với dịch  COVID-19.

Trong thông báo, Bộ trưởng Y tế Séc Roman Prymula cho biết, quy định của tình trạng khẩn cấp được ban bố lần này sẽ không áp dụng các biện pháp hạn chế hoạt động của người dân như đã áp dụng trong lần trước (từ ngày 12/3) ở giai đoạn đầu chống dịch vào mùa Xuân, mà chủ yếu áp dụng các biện pháp hạn chế đối với hoạt động vui chơi giải trí, tập trung đông người trong thời gian rảnh rỗi và ngày nghỉ đối với những địa phương có mức độ rủi ro lây nhiễm cao. Cộng hòa Séc không đóng cửa biên giới, các của hàng và nhà hàng vẫn được phép hoạt động, tuy nhiên hạn chế số người và thời gian mở cửa.

Chú thích ảnh
 Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Budapest, Hungary, ngày 23/9/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 30/9 đã cam kết sẽ hỗ trợ 100 triệu USD cho các quốc gia đang phát triển nhằm giúp những nước này tiếp cận với vaccine phòng ngừa bệnh COVID-19. Nhà lãnh đạo Đức đưa ra tuyên bố trên sau khi Ban giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) đang xem xét gói trợ giúp 12 tỷ USD hỗ trợ các nước nghèo mua và phân phát vaccine phòng ngừa bệnh COVID-19.

Ngày 30/9, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã cảnh báo rằng nước này có thể áp đặt thêm các biện pháp để kiềm chế đại dịch COVID-19 lây lan nếu tình hình tiếp tục xấu đi tại Anh.

Phát biểu trong cuộc họp báo, Thủ tướng Boris Johnson thừa nhận: "Chúng tôi không phản đối việc triển khai thêm các biện pháp nếu tình hình dịch bệnh trở nên xấu đi. Hiện nước Anh đang ở thời điểm quan trọng".

Bên cạnh đó, Thủ tướng Anh cũng bảo vệ những biện pháp mới nhất mà chính phủ đưa ra trong cuộc chiến chống COVID-19. Ông cho rằng số lượng ca mới mắc COVID-19 và "sự gia tăng" về các trường hợp tử vong cho thấy "vai trò quan trọng của kế hoạch phòng chống dịch". Ông khẳng định: "Các biện pháp mới cần thời gian để hiệu quả. Vì vậy, tôi kêu gọi sự kiên nhẫn, chia sẻ và hợp tác".

Tuyên bố của Thủ tướng Johnson được đưa ra sau khi Anh thông báo có thêm 7.108 ca mắc mới COVID-19 trong ngày 30/9, nâng tổng số ca tại nước này lên 453.264 ca. Trong khi đó, số ca thiệt mạng vì COVID-19 là 41.143 ca.

Chú thích ảnh
 Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện tại Toronto, Canada, ngày 17/9/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Phát biểu tại một hội nghị trực tuyến của LHQ về "tài trợ cho phát triển trong và sau đại dịch COVID-19", Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết Canada cam kết tăng 400 triệu CAD (299 triệu USD) cho hoạt động viện trợ phát triển và nhân đạo để ứng phó đại dịch.

Thủ tướng Trudeau khẳng định Canada sẽ tăng cường đầu tư trong những năm tới và ông sẽ tiếp tục vận động giảm nợ cho những nước đang phát triển phải đối mặt với tình trạng kinh tế khó khăn do đại dịch.

Chú thích ảnh
 Đám tang bệnh nhân tử vong do COVID-19 tại tỉnh Aceh, Indonesia, ngày 29/9/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 30/9, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 7.775 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 16.810 người.

Trong 24 giờ qua, khối ASEAN có 4 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Malaysia và Myanmar. Philippines vẫn dẫn đầu các nước thành viên hiệp hội về tổng số ca mắc bệnh, song số ca tử vong tiếp tục xu thế giảm trong những ngày gần đây.

Indonesia hiện là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN, khi nước này trong ngày ghi nhận số ca bệnh mới và số ca tử vong mới cao nhất khu vực. Indonesia cũng dẫn đầu khu vực về tổng số bệnh nhân tử vong do đại dịch và bỏ xa các quốc gia khác.

Singapore tiếp tục kiểm soát khá tốt tình hình và đã nhiều tuần nay không phát sinh ca tử vong mới nào vì COVID-19. Trong khi Malaysia tình hình đáng quan ngại hơn, nguy cơ làn sóng dịch mới đang hiện hữu, trong ngày nước này ghi nhận 2 ca tử vong mới.

Myanmar tình hình đang xấu đi nhanh chóng khi nhiều ngày liền ghi nhận số ca mắc và tử vong đều tăng. Tình hình tại quốc gia thành viên này hiện rất đáng quan ngại khi ghi nhận tới trên 948 ca bệnh mới và 26 người tử vong vì virus SARS-CoV-2 trong 1 ngày qua. Myanmar đã trở thành là ổ dịch mới tại Đông Nam Á.

Chú thích ảnh
Buôn bán tại một khu chợ ở thủ đô Viêng Chăn của Lào trong mùa đại dịch COVID-19. Ảnh: npr

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 16.811 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 225 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 6.196 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 544.496 trường hợp.

Toàn khối đang chứng kiến những diễn biến dịch mới đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới. Trong 24 giờ qua, ASEAN có 6 nước thành viên ghi nhận các ca COVID-19 mới.

Trong khi đó, Việt Nam, Brunei, Campuchia, Timor-Leste và Lào là những nước ASEAN không có thêm ca bệnh COVID-19 nào trong ngày 28/9. Tình hình dịch bệnh tại một số nước ASEAN, tạo điều kiện cho việc xúc tiến quá trình mở cửa trở lại và khôi phục hoạt động kinh tế xã hội.

Chú thích ảnh
 Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres phát biểu tại "Hội nghị cấp cao về Tài chính cho Phát triển trong kỷ nguyên COVID-19 và sau đó" ở New York, Mỹ ngày 29/9/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres ngày 30/9 kêu gọi các nước đóng góp ngay 15 tỷ USD cho quỹ chung toàn cầu nhằm đảm bảo việc mua sắm và phân phối vaccine ngừa COVID-19.

Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến, Tổng thư ký Guterres cho rằng những khoản cam kết này đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc đảm bảo mua sắm, sản xuất và dự trữ vaccine, đồng thời tiếp tục nghiên cứu và giúp các nước tối ưu hóa được lợi ích của vaccine khi những sản phẩm này được đưa ra thị trường.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức
Chỉ 50% người dân Mỹ sẵn sàng tiêm vaccine COVID-19 miễn phí
Chỉ 50% người dân Mỹ sẵn sàng tiêm vaccine COVID-19 miễn phí

Theo kết quả thăm dò dư luận, chưa đầy 50% dân số Mỹ cho biết sẵn sàng tiêm vaccine ngừa COVID-19 ngay cả khi được cấp tiền.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN