Hãng thông tấn AP (Mỹ) cho biết tình trạng chênh lệch diễn ra ở khắp mọi nơi. Một ví dụ là Haiti, nơi chỉ cách Mỹ một chuyến bay ngắn, đến ngày 15/7 gần đây mới được chuyển giao lô vaccine COVID-19 đầu tiên sau nhiều tháng trời cam kết. Và Haiti nhận được 500.000 liều trong khi dân số nước này là 11 triệu người.
Canada trong khi đó đã sở hữu lượng vaccine đủ để đảm bảo tiêm cho toàn bộ người dân. Tính đến ngày 20/6, tỷ lệ tiêm vaccine ở Sierra Leone mới chỉ đạt mức 1%. Ông Strive Masiyiwa tại Liên minh châu Phi so sánh tình trạng này như một nạn đói với “người giàu nhất tóm được chiếc bánh”.
Có nhiều lý do dẫn đến tình trạng sở hữu vaccine COVID-19 không đồng đều giữa các quốc gia như hiện nay.
Ngày 16/3/2020, chì 5 ngày sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố COVID-19 là đại dịch, loại vaccine công nghệ mRNA do Moderna phát triển và điều chế đã lần đầu tiên tiêm thử nghiệm với tình nguyện viên. Thời điểm đó, dịch COVID-19 đang tác động mạnh đến nhóm người cao tuổi tại châu Âu và Mỹ. Moderna cùng Pfizer/BioNTech là những công ty đầu tiên cho ra đời vaccine công nghệ mRNA.
Ngày 30/4/2020, một thỏa thuận được thống nhất với AstraZeneca nhận trách nhiệm sản xuất và phân phối vaccine COVID-19 hãng này sản xuất ra toàn cầu đồng thời bán sản phẩm mới mức giá chỉ “vài USD/liều”. Vài tuần sau đó, Mỹ và Anh lập tức đảm bảo được thỏa thuận mua tổng cộng 400 triệu liều từ AstraZeneca.
Cuộc đua sáng chế và đảm bảo vaccine COVID-19 được kích hoạt với Mỹ và Anh đi đầu trước phần còn lại của thế giới. Mỹ, Anh và châu Âu có lợi thế lớn là nhiều công ty dược lớn đều nằm tại đây với những cơ sở sản xuất tiên tiến và nguồn tài chính dồi dào.
Nhiều quốc gia giàu có đã để mắt đến Pfizer/BioNTech, Moderna và AstraZeneca trước cả khi những vaccine này chính thức được thông qua. Sau đó, châu Âu cùng Bắc Mỹ và một số quốc gia khác, trong đó có Israel đã chi mạnh tay để mua lượng lớn những vaccine này.
Ngày 15/5/2020, Tổng thống Mỹ khi đó Donald Trump tuyên bố về Chiến dịch Thần tốc chuyên về phân phối vaccine COVID-19. Người phụ trách Chiến dịch Thần tốc, ông Moncef Slaoui đã tự tin và ký nhiều hợp đồng mà không cần xem xét quá kỹ lưỡng về giá cả cùng điều kiện.
Cùng thời điểm này, Mỹ liên tục kích hoạt Đạo luật Bảo vệ Sản xuất tới 18 lần dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump và tối thiểu là 1 lần dưới thời Tổng thống Joe Biden. Đạo luật này có nội dung cấm xuất khẩu các vật liệu thô quan trọng. Cùng thời điểm, các nhà máy tại Mỹ tăng tốc sản xuất vaccine. Điều này đồng nghĩa với việc những vật liệu thô này trở nên hiếm có ở những nơi khác trên thế giới. Đạo luật chỉ được nới lỏng trong mùa Xuân 2021 nhưng chỉ 1 phần.
Hai tuần sau Chiến dịch Thần tốc, sáng kiến COVAX ra đời với Viện Serum tại Ấn Độ - nơi sản xuất vaccine hàng đầu thế giới là trụ cột. Liên minh Toàn cầu về vaccine và Tiêm chủng (GAVI) đã phối hợp cùng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) sáng lập COVAX để đảm bảo phân phối vaccine phòng COVID-19 công bằng trên toàn cầu.
Tuy nhiên, làn sóng dịch COVID-19 thứ hai bùng phát vào tháng 5 gây sức ép lớn đến y tế Ấn Độ buộc chính phủ nước này ra quyết định ngừng xuất khẩu vaccine. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ tới COVAX. Chính phủ Costa Rica và WHO đã tiến hành kế hoạch riêng rẽ tạo nền tảng chia sẻ công nghệ để mở rộng sản xuất vaccine COVID-19. Tuy nhiên, chưa hề có một quốc gia nào đồng ý chia sẻ công nghệ.
COVAX đang chậm chân trong mục tiêu tiêm tối thiểu 20% dân số của 92 quốc gia thu nhập trung bình và thấp trên thế giới vào cuối năm nay.
Ngày 8/12/2020, Anh trở thành quốc gia đầu tiên chính thức tiêm vaccine diện rộng với bà Margaret Keenan (90 tuổi) mở màn bằng liều Pfizer-BioNTech. Sau đó 6 ngày, Mỹ cũng khởi động chương trình tiêm vaccine COVID-19. Vào ngày 26/12/2020, Liên minh châu Âu (EU) cũng tiếp bước. Nga và Trung Quốc trong khi đó đã tiêm vaccine tự sản xuất trong nước cho người dân.
Vài tháng sau đó, COVAX đã có đủ nguồn tài chính để ký thỏa thuận cung cấp vaccine toàn cầu. COVAX đã thất bại trong mục tiêu tiêm vaccine COVID-19 cho các nước thu nhập thấp cùng thời điểm với các nước giàu. Đến ngày 24/2, COVAX chuyển đến Ghana 600.000 liều AstraZeneca do Viện Serum (Ấn Độ) sản xuất và được vận chuyển bởi các máy bay của UNICEF. Ở thời điểm này, 27% dân số Anh, 13% dân só Mỹ và 5% người dân châu Âu cùng 0,23% người dân châu Phi đã được tiêm vaccine.
Sau Hội nghị thượng đỉnh kéo dài ba ngày tổ chức tại Anh vào tháng 6, nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã ca kết tặng 850 triệu liều vaccine cho thế giới. Con số này khá nhỏ so với mục tiêu 11 tỷ liều WHO đánh giá là cần thiết để kết thúc đại dịch. Cam kết của G7 dự kiến đến năm 2022 mới được triển khai.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Biden cam kết đến cuối tháng 6 gửi 80 triệu liều vaccine COVID-19 cho toàn thế giới. Nhưng đến giữa tháng 7 mới chỉ có 44 triệu liều được gửi đi, trong đó bao gồm 2,5 triệu liều chuyển đến Canada vốn là quốc gia đã sở hữu đủ vaccine để tiêm cho người dân. Đến nay châu Phi vẫn chưa nhận được bất cứ liều vaccine COVID-19 nào từ Mỹ.