Khách xếp hàng dài bên ngoài các cửa hàng phục vụ món samgyeopsal (thịt ba chỉ nướng) và sundubu jjigae (canh kim chi đậu phụ). Các nhóm nữ sinh tụ tập từng góc ăn bánh mỳ kẹp xúc xích sau khi dạo dọc phố mua mỹ phẩm và các món hàng Kpop.
Đây không phải một góc Seoul mà là quận Shin-Okubo – một lát cắt nhỏ bé của Hàn Quốc giữa thủ đô Tokyo (Nhật Bản).
Theo báo Anh Guardian, Shin-Okubo là nơi sinh sống của cộng đồng người Hàn Quốc đang kinh doanh tại địa phương. Các chủ doanh nghiệp lo ngại xung đột ngoại giao giữa hai quốc gia có thể biến họ thành nạn nhân và chịu ảnh hưởng nặng nề.
Trong một vài tuần trở lại đây, Tokyo và Seoul liên tục có những đòn trả đũa qua lại trong bối cảnh rạn nứt giữa hai nước láng giềng ngày càng lớn liên quan đến tranh cãi về những người Hàn Quốc được đưa sang Nhật Bản làm việc trong các mỏ khai thác và nhà máy trước Chiến tranh Thế giới thứ II.
Kể từ năm ngoái, sau khi tòa án Hàn Quốc yêu cầu các công ty Nhật Bản bồi thường cho những người lao động trước kia, mâu thuẫn càng lớn và lan rộng ra các lĩnh vực khác như thương mại, hợp tác an ninh, du lịch và thậm chí là công tác chuẩn bị cho Thế vận hội Olympics mùa hè tới tại Tokyo.
Chủ một cửa hàng bán mỹ phẩm Hàn Quốc giấu tên trả lời phỏng vấn báo Anh Guardian: “Số lượng khách hàng giảm một nửa trong các tháng gần đây. Những cô gái trẻ vẫn đến mua hàng, nhưng đối tượng khách hàng lớn tuổi chỉ liếc nhìn và đi thẳng. Chưa bao giờ tình trạng này xảy ra”.
Người phụ nữ có cửa hàng mỹ phẩm này hơn 20 năm cho biết Hàn Quốc – quê hương của bà – và Nhật Bản – ngôi nhà thứ 2 – đang đứng trước nguy cơ trở thành kẻ thù vĩnh viễn. Bà nói: “Hai nước đang dần xa cách. Nhật Bản khăng khăng mọi khoản bồi thường đã được chi đủ, nhưng bạn cảm giác ra sao nếu ông cha bạn là người lao động bị bóc lột trong thời kỳ chiến tranh. Tôi có nhiều bạn Nhật Bản hơn Hàn Quốc tại đây, nhưng chúng tôi tránh nói về chính trị vì chúng tôi biết chúng tôi lại đi vào vết xe đổ”.
Đầu năm nay, Nhật Bản đã hạn chế xuất khẩu vật liệu bán dẫn quan trọng đối với ngành công nghệ Hàn Quốc. Động thái này đã gây phẫn nộ ở Hàn Quốc. Chính phủ xem biện pháp này là đòn trả thù cho các phán quyết của tòa án đối với các công ty Nhật Bản và nhanh chóng loại bỏ Nhật Bản khỏi danh sách trắng – bao gồm các đối tác thương mại nhận được ưu đãi.
Bên cạnh một nhóm chủ cửa hàng Hàn Quốc bày tỏ lo ngại về ảnh hưởng quan hệ hai nước, một vài doanh nghiệp khác lại cho biết hoạt động kinh doanh của họ vẫn bình thường giữa cơn bão ngoại giao.
“Nó không thực sự ảnh hưởng chúng tôi, có lẽ vì người trẻ ít quan tâm tới chính trị”, Choi Dong-han – một chủ của hàng bán đồ Kpop tại Shin-Okubo – cho hay. Ông nói: “Thanh niên Nhật Bản thích thú với nền văn hóa Hàn Quốc vẫn đến đây mua poster, DVD, mô hình của các nhóm nhạc như BTS, DBSK, Big Bang. Chúng tôi hy vọng Nhật Bản và Hàn Quốc có thể xóa bỏ được những khác biệt. Chúng ta là láng giềng, vì vậy chúng ta phải có mối quan hệ tốt”.
Trên thực tế, mối quan hệ giữa hai nước còn xa mới được gọi là “hàng xóm láng giềng”. Seoul kêu gọi Ủy ban Olympic Quốc tế cấm lá cờ “mặt trời mọc” – lá cờ mà người Hàn Quốc coi là biểu tượng của sự xâm lược và chiếm đóng bán đảo Triều Tiên từ năm 1910 đến năm 1945 của quân đội Nhật Bản – xuất hiện trong Thế vận hội Olympic mùa hè năm tới.
Cuối tháng trước, Hàn Quốc xé bỏ thỏa thuận chia sẻ tình báo với Nhật Bản. Chuyên gia cảnh báo động thái này có thể gây nguy hại tới năng lực của hai quốc gia trong việc đối phó với mối đe dọa tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Triều Tiên.
Một số người Hàn Quốc kêu gọi tẩy chay hàng Nhật Bản, trong đó có mỹ phẩm, bia và quần áo. Số lượng du khách tới tham quan Nhật Bản trong tháng 8 cũng giảm đến 48% so với cùng kỳ năm ngoái.
“Chúng tôi là những người bình thường đang tìm cách ổn định cuộc sống tại đây, tại Nhật Bản. Nhưng mỗi khi quan hệ Nhật-Hàn xuống dốc, chúng tôi lại nhận thấy có mối đe dọa, đối với con cháu chúng tôi”, Yuh Keun-ie – Chủ tịch Liên đoàn Công dân Hàn Quốc tại Nhật Bản, tổ chức đại diện cho 2/3 trong tổng số 610.000 người Hàn Quốc sống tại quốc gia Mặt trời mọc – nói.
Bà Yuh – người có 2 trong 7 đứa cháu được cấp quyền công dân Nhật Bản – chia sẻ thêm: “Chúng tôi không quan tâm tới chính trị. Tất cả những gì chúng tôi quan tâm là cuộc sống đời thường – làm việc chăm chỉ, với tài năng và một chút may mắn, chúng tôi có thể có một cuộc sống thoải mái và đóng góp cho cộng đồng địa phương”.