Đại dịch COVID-19 đe dọa gần 20 triệu việc làm ở châu Phi

Hàng triệu việc làm bị mất, nợ gia tăng và kiều hối giảm là những khó khăn kinh tế mà các quốc gia châu Phi có thể phải đối mặt do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Đây là cảnh báo của Liên minh châu Phi (AU) đưa ra trong công trình nghiên cứu công bố ngày 6/4.

Chú thích ảnh
 Người dân mua hàng trong siêu thị tại Johannesburg, Nam Phi, ngày 2/4/2020 trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. Ảnh: THX/TTXVN

Trong nghiên cứu dài 35 trang, AU cho biết gần 20 triệu việc làm chính thức và phi chính thức ở châu Phi đang bị đe dọa nếu tình hình dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp. Các nước phụ thuộc chủ yếu vào du lịch và sản xuất dầu mỏ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Nghiên cứu của AU phác thảo hai kịch bản về diễn biến của đại dịch COVID-19. Theo đó, kịch bản đầu tiên có nhiều khả năng xảy ra dự báo dịch COVID-19 kéo dài đến tháng Bảy, nhưng châu Phi "không bị ảnh hưởng nhiều", và kịch bản thứ hai "bi quan" khi dự báo dịch bệnh kéo dài đến tháng Tám và châu Phi bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn. Với kịch bản đầu tiên, nền kinh tế châu Phi có thể sẽ suy giảm 0,8%, trong khi với kịch bản thứ hai, con số này có thể là 1,1%. Cả hai mức này đều giảm mạnh so với mức dự báo tăng trưởng 3,4% mà Ngân hàng Phát triển châu Phi đưa ra trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

Theo nghiên cứu trên, mặc dù châu Phi ít bị ảnh hưởng dịch COVID-19 hơn Trung Quốc, các nước Nam Âu và Mỹ, song "Lục địa Đen" đã bắt đầu cảm nhận những tác động đối với nền kinh tế do có các mối quan hệ giao thương với những khu vực này. Châu Phi đã chứng kiến mức sụt giảm 35% trong kim ngạch xuất nhập khẩu trị giá khoảng 270 tỷ USD. Khi dịch bệnh lan rộng, giá dầu giảm mạnh khiến nền kinh tế của các quốc gia sản xuất dầu mỏ như Nigeria và Angola bị tê liệt, trong khi các biện pháp hạn chế đi lại có thể khiến ngành du lịch châu Phi thiệt hại ít nhất 50 tỷ USD và mất ít nhất 2 triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp.

Cũng theo AU, khi ngân sách cạn kiệt, các chính phủ ở châu Phi sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc dựa vào các thị trường nước ngoài, dẫn tới nguy cơ nợ chồng chất.

Hiện các nhà lãnh đạo châu Phi đang nỗ lực giảm thiểu những tác động kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra. Tháng trước, Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed kêu gọi các nhà lãnh đạo Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tạo điều kiện giảm nợ và viện trợ khẩn cấp 150 tỷ USD để hỗ trợ các quốc gia châu Phi đối phó với dịch bệnh COVID-19.

Trước những dự báo không mấy khả quan về diễn biến dịch bệnh tại châu Phi, ngày 6/4, Quỹ từ thiện Mã Vân và Quỹ từ thiện Alibaba tuyên bố sẽ tiếp tục quyên góp cho 54 quốc gia châu Phi số vật tư y tế phòng chống dịch COVID-19 bao gồm 500 máy thở, 1 triệu bộ thiết bị lấy mẫu virus SARS-CoV-2 và thuốc thử chiết xuất, 200.000 bộ quần áo bảo hộ và mặt nạ phòng hộ, 2000 thiết bị đo thân nhiệt và 500.000 đôi găng tay y tế.

Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh, Quỹ từ thiện Mã Vân đã xác nhận rằng số vật tư trên đã rời Trung Quốc, đang trên đường đến các nước châu Phi. Số vật tư này sau khi được vận chuyển đến Ethiopia sẽ do Thủ tướng nước này Abiy Ahmed Ali, Hãng hàng không Ethiopia, Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh châu Phi và Tổ chức Chương trình lương thực thế giới đứng ra tổ chức, tiến hành phân phối.

Trước đó, ngày 16/3, hai quỹ này đã quyên góp cho 54 nước châu Phi một lượng khá lớn vật tư y tế phòng dịch, đồng thời triển khai hợp tác với các tổ chức y tế thuộc những nước châu Phi để đào tạo trực tuyến cho các bác sĩ, góp phần hỗ trợ công tác phòng chống dịch COVID-19 ở châu Phi.         

Phan An (TTXVN)
Kinh tế châu Phi điêu đứng vì COVID-19
Kinh tế châu Phi điêu đứng vì COVID-19

Những người nghèo nhất tại Uganda thường kiếm sống trên những con phố tại Kampala, họ bán hoa quả hoặc ngồi trên vỉa hè rao hạt dẻ nướng, khăn mùi xoa. Nhưng trong thời điểm dịch COVID-19 lây lan này, những người nghèo không còn xuất hiện và không ai biết đến bao giờ họ mới trở lại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN