Đại diện LHQ tiếp cận những quan chức Mali đang bị lực lượng đảo chính bắt giữ

Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Mali (MINUSMA) ngày 21/8 cho biết các đại diện của phái bộ này đã tiếp cận được với Tổng thống Ibrahim Boubacar Keita, người buộc phải từ chức sau vụ binh biến, cùng với những thành viên chính phủ đang bị lực lượng đảo chính bắt giữ.

Chú thích ảnh
Binh sĩ Mali tới quảng trường Độc lập ở thủ đô Bamako sau khi nổ ra cuộc binh biến do một nhóm binh sĩ tiến hành, ngày 18/8/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong một tuyên bố, MINUSMA nêu rõ các đại diện của phái bộ đã đến Kati - nơi lực lượng đảo chính đang giam giữ các quan chức Chính phủ Mali, theo sứ mệnh bảo vệ nhân quyền và đã được tiếp cận với ông Keita cùng những người đang bị bắt giữ. Kati là một căn cứ quân sự, cách thủ đô Bamako khoảng 15 km. 

Trong khi đó, một thành viên giấu tên trong lực lượng đảo chính cho biết đã trả tự do cho cựu Bộ trưởng Kinh tế Adoulaye Daffe và Thư ký riêng của Tổng thống Sabane Mahalmoudou. Như vậy, hiện còn 17 người đang bị lực lượng đảo chính bắt giữ tại Kati. 

Cùng ngày, lãnh đạo các nước châu Phi đã lên án mạnh mẽ cuộc đảo chính quân sự tại Mali ngày 18/8, đồng thời yêu cầu lực lượng đảo chính trả tự do ngay lập tức cho ông Keita cùng các quan chức khác. 

Trong tuyên bố được đưa ra tại Nairobi ngày 21/8 sau cuộc họp trực tuyến diễn ra vào tối trước đó, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã kêu gọi các bên tiến hành đối thoại và khôi phục hòa bình và ổn định ở quốc gia Tây Phi này. Trong khi đó, Tổng thống CHDC Congo kêu gọi các nước châu Phi thể hiện lập trường cứng rắn đối với lực lượng tiến hành cuộc đảo chính.

Ngày 18/8 vừa qua, nhóm binh sĩ quân đội tự xưng là Ủy ban quốc gia về bảo vệ người dân (CNSP) đã nổi loạn bên ngoài thủ đô Bamako, bắt giữ Tổng thống Ibrahim Boubacar Keita và Thủ tướng Boubou Cisse cùng một số thành viên trong chính phủ. Chỉ vài giờ sau khi bị các binh sĩ bắt giữ, Tổng thống Keita tuyên bố từ chức và giải tán Quốc hội. 

CNSP tuyên bố nắm quyền lãnh đạo Mali và sẽ tiến hành tổng tuyển cử trong thời gian tới. Phong trào đối lập M5-RFP phủ nhận bất kỳ mối liên hệ nào với nhóm binh lính này. Ngày 19/8, M5-RFP tuyên bố sẽ hợp tác với chính quyền quân sự thúc đẩy "một lộ trình" chuyển tiếp chính trị.

Đây là cuộc đảo chính thứ 2 xảy ra tại Mali trong 8 năm qua. Các tổ chức trong khu vực và thế giới cùng nhiều nước đã lên án cuộc binh biến tại Mali và yêu cầu trả tự do cho những lãnh đạo bị bắt giữ.

Ngọc Hà (TTXVN)
Mali rối loạn trong vòng xoáy khủng hoảng
Mali rối loạn trong vòng xoáy khủng hoảng

Sự việc ngày 18/8 là vụ đảo chính thứ hai ở Mali trong vòng 8 năm, cho thấy tình hình phức tạp và rối ren ở quốc gia này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN