Bộ Y tế Ai Cập xác nhận có thêm 33 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm bệnh COVID-19 ở quốc gia này lên 609. Số người tử vong do chủng virus nguy hiểm này cũng đã cán mốc 40, sau khi có thêm 4 trường hợp tử vong mới trong ngày.
Theo người phát ngôn Bộ Y tế Ai Cập Khaled Meghad, 4 trường hợp tử vong nói trên đều là công dân Ai Cập sinh sống tại thủ đô Cairo, có độ tuổi từ 58 - 84 và nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Trong khi đó, 33 trường hợp mới nhiễm bệnh đều có tiếp xúc với những ca lây nhiễm được xác định trước đó.
Cho đến nay, Ai Cập cũng ghi nhận 182 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính, trong đó 132 người đã phục hồi hoàn toàn và được xuất viện. Ai Cập hiện đã chuẩn bị 27 bệnh viện trên toàn quốc để điều trị cho các bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2.
Cùng ngày, Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi đã chỉ thị cho Nội các nước này tìm cách thúc đẩy sản xuất các trang thiết bị y tế trong bối cảnh nguồn cung toàn cầu thiếu hụt do tác động của dịch COVID-19. Nhà lãnh đạo Ai Cập khẳng định cuộc chiến chống dịch COVID-19 đòi hỏi sự phối hợp toàn diện giữa các cơ quan nhà nước và người dân nhằm nhanh chóng vượt qua cuộc khủng hoảng này. Tổng thống El-Sisi cũng đề nghị tăng trợ cấp cho các nhân viên y tế, đồng thời triển khai quỹ hỗ trợ cho một số bệnh viện và trung tâm y tế để ứng phó với dịch bệnh.
Bộ Y tế Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận thêm 23 trường hợp tử vong do dịch COVID-19 trong ngày 29/3, nâng tổng ca tử vong tại nước này lên 131. Số ca nhiễm bệnh được ghi nhận trong ngày cũng tăng thêm 1.815 lên tổng cộng 9.217 trường hợp.
Theo Bộ Y tế Saudi Arabia, đã có thêm 96 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, nâng tổng ca nhiễm bệnh ở quốc gia vùng Vịnh này lên 1.299. Cho đến nay, dịch COVID-19 đã khiến 8 bệnh nhân tử vong tại Saudi Arabia, trong khi con số phục hồi là 66.
Trong khi đó, Bộ Y tế Iraq cho biết các phòng xét nghiệm ở nước này ghi nhận thêm 41 ca nhiễm SARS-CoV-2 mới, nâng tổng số ca nhiễm bệnh ở nước này lên 547, trong đó có 143 trường hợp phục hồi và 42 ca tử vong.
Tại Kuwait, số người nhiễm SARS-CoV-2 đã tăng thêm 20 trường hợp lên con số 255. Hiện đã có 67 trường hợp hồi phục tại Kuwait và 1.231 người khác đang trong diện cách ly. Quốc gia này chưa ghi nhận trường hợp tử vong nào do SARS-CoV-2.
Cùng ngày, Bộ Y tế Oman thông báo có thêm 15 ca mới nhiễm SARS-CoV-2, nâng tổng trường hợp lây nhiễm ở nước này lên 167. Theo tuyên bố, tất cả các trường hợp mới ghi nhận này đều là công dân Oman. Bộ Y tế Oman kêu gọi người dân nước này tuân thủ quy trình cách ly, không đi tới nơi công cộng hoặc cơ sở tôn giáo, giữ vệ sinh chung.
Qatar và UAE cũng ghi nhận nhiều ca nhiễm mới, với lần lượt 44 và 102 trường hợp, nâng tổng số lây nhiễm lên tương ứng 634 và 570. Hai quốc gia này cũng xác nhận một trường hợp tử vong trong ngày.
Bộ Y tế Syria cho biết quốc gia này đã ghi nhận trường hợp tử vong đầu tiên do nhiễm virus SARS-CoV-2. Bệnh nhân là một phụ nữ Syria phải nhập viện cấp cứu tại thủ đô Damascus cùng ngày, song đã tử vong không lâu sau đó. Kết quả giám định cho thấy bệnh nhân đã nhiễm SARS-CoV-2 và là trường hợp tử vong đầu tiên do nhiễm chủng virus nguy hiểm này tại Syria. Cùng ngày, Syria ghi nhận thêm 4 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2, nâng tổng ca nhiễm bệnh ở nước này lên con số 9.
Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, Bộ Y tế Angola cùng ngày cho biết nước này đã ghi nhận 2 trường hợp đầu tiên tử vong vì bệnh COVID-19 là một người đàn ông 59 tuổi, sinh sống thường xuyên ở Bồ Đào Nha và đến Angola hôm 12/3. Trường hợp thứ hai là một công dân Angola 37 tuổi, từ nước ngoài trở về hôm 13/3. Theo Bộ trưởng Y tế Silvia Lutucuta, cả 2 trường hợp đều tử vong vào ngày 28/3.
Angola phát hiện 2 trường hợp đầu tiên dương tính với SARS-CoV-2 hôm 21/3. Đến nay, nước này có tổng cộng 7 ca nhiễm bệnh, hầu hết là công dân Angola trở về từ Bồ Đào Nha. Kể từ ngày 27/3, Chính phủ Angola đã ban bố tình trạng khẩn cấp trên cả nước để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.