Riêng Iran, chỉ trong vòng 3 tuần kể từ khi phát hiện ca đầu tiên ngày 19/2, đến nay tổng số ca nhiễm chủng virus nguy hiểm này đã lên tới 10.075 người và 429 ca tử vong. Hiện Iran đang nỗ lực hết sức để thực thi các biện pháp cần thiết theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) như đảm bảo cách ly theo quy định, cấm tụ tập, hội họp nơi công cộng và đóng cửa toàn bộ trường học.
Do tác động nhiều năm của các lệnh trừng phạt của Mỹ, tình hình tại Iran đang trở nên trầm trọng hơn khi nước này phải đối mặt với tình trạng thiếu trang thiết bị y tế để chống dịch. Tehran đã kêu gọi cộng đồng quốc tế giúp đỡ để dỡ bỏ bệnh trừng phạt của Mỹ.
Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif ngày 12/3 đã gửi thư lên Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, kêu gọi dỡ bỏ tất cả các lệnh trừng phạt đơn phương của Mỹ. Cũng trong ngày 12/3, Ngân hàng Trung ương Iran đã đề nghị Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hỗ trợ khoản vay 5 tỷ USD để giúp nước này trong cuộc chiến chống dịch COVID-19.
Ngoài Iran là quốc gia được coi là "tâm dịch" tại Trung Đông, hiện một số nước khác trong khu vực cũng đang đối mặt với nguy cơ dịch lây lan nhanh. Qatar và Bahrain đang là hai nước có số ca mắc COVID-19 cao nhất sau Iran, với lần lượt 262 người và 189 người. Tiếp đến là Israel với 109 ca.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã kêu gọi thành lập "một chính phủ khẩn cấp" để giải quyết cuộc khủng hoảng dịch COVID-19. Ông Netanyahu đã chỉ thị đóng cửa toàn bộ các trường học trong cả nước đến hết ngày 16/4, trừ các trường mẫu giáo và cơ sở giáo dục đặc biệt vẫn hoạt động bình thường.
Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) cũng thông báo 11 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên 85 ca. Iraq ghi nhận 83 ca; Ai Cập 13 ca; Kuwait 80 ca; Liban 71 ca, trong đó 3 ca tử vong.
Đáp lại lời kêu gọi giúp đỡ trong khu vực, Trung Quốc đã tặng trang thiết bị y tế cho một số nước ở Trung Đông, đồng thời điều 2 nhóm nhân viên y tế đến Iran và Iraq để hỗ trợ các nước này chống dịch.
Trong khi đó, Hãng thông tấn SPA ngày 13/3 đưa tin, Saudi Arabia đã phát hiện thêm 17 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 11 người Ai Cập, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 62 người.
Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, Chính phủ Kuwait ngày 12/3 thông báo về việc phát hiện thêm 8 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, qua đó nâng tổng số ca mắc dịch bệnh nguy hiểm này lên 75 trường hợp.
* Ngày 12/3, Gabon và Ghana đã xác nhận những ca đầu tiên nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, lần lượt trở thành quốc gia thứ 9 và thứ 10 ở tiểu vùng Sahara thuộc châu Phi có các ca dương tính với loại virus chết người này.
Tuyên bố của Chính phủ Gabon cho hay, ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở nước này là một người đàn ông 27 tuổi mang quốc tịch Gabon. Bệnh nhân này mới trở về từ Pháp hôm 8/3. Còn theo Bộ Y tế Ghana, 2 bệnh nhân đầu tiên ở nước này mới trở về từ Na Uy và Thổ Nhĩ Kỳ.
Tối cùng ngày, Bộ Y tế Algeria đã xác nhận thêm 2 ca mắc bệnh COVID-19 và 1 ca tử vong.
Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Phi, chỉ tính riêng trong ngày 12/3, Algeria đã phát hiện thêm 7 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 26, trong đó có 2 ca tử vong. Cơ quan chức năng Algeria cho biết các cuộc điều tra dịch tễ học đang được tiến hành để xác định và truy tìm tất cả những người đã tiếp xúc với các trường hợp nhiễm bệnh. Hệ thống giám sát và cảnh báo tại chỗ vẫn đang được duy trì ở mức độ cao nhất.
Còn tại Ai Cập, Bộ Y tế nước này ngày 12/3 thông báo về 1 ca tử vong và 13 ca nhiễm mới. Bệnh nhân tử vong là một phụ nữ người Ai Cập ở thành phố Mansura, tỉnh Daqahliya. Đây là ca tử vong thứ hai do COVID-19 ở quốc gia Bắc Phi này. Trường hợp tử vong đầu tiên là một du khách người Đức.
Cũng trong ngày 12/3, Bộ Y tế Tunisia đã xác nhận thêm 6 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc bệnh COVID-19 lên 13 người.
Tại các nước khác ở châu Phi cũng ghi nhận thêm các ca nhiễm virus SARS-CoV-2 như Senegal (5), CHDC Congo (1), Cote d'Ivoire (1).