Nhật Bản đang thúc đẩy một hiệp ước hòa bình với Nga nhằm chấm dứt những tranh chấp kéo dài hàng chục năm qua liên quan tới các hòn đảo ở quần đảo tranh chấp mà Nga gọi là Nam Kuril, trong khi Nhật Bản gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc.
Theo kế hoạch, Tổng thống Putin và Thủ tướng Abe sẽ có cuộc gặp vào ngày 22/1 tới tại thủ đô Moskva. Tuy nhiên, trao đổi với báo giới, Trợ lý tổng thống Nga Yuri Ushakov cho biết vẫn còn nhiều sự khác biệt giữa lập trường của Moskva và Tokyo.
Trước đó cùng ngày, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng cho rằng Nga và Nhật Bản cần làm nhiều hơn nữa để trở thành đối tác thực sự của nhau trên trường quốc tế. Ông Lavrov cũng khẳng định yêu cầu chuyển cho Nhật Bản các hòn đảo ở quần đảo tranh chấp Nam Kuril/Vùng lãnh thổ phương Bắc đi ngược lại cam kết của các nước với Hiến chương LHQ, trong đó có điều khoản khẳng định kết quả Chiến tranh Thế giới thứ II là không thay đổi.
Ngày 14/1 vừa qua, ông Lavrov và người đồng cấp Nhật Bản Taro Kono có cuộc đàm phán trong khuôn khổ vòng đàm phán đầu đầu tiên theo thể thức mới về hiệp ước hòa bình giữa Nga và Nhật Bản. Tại cuộc gặp, ông Lavrov cho biết Moskva sẽ không thảo luận vấn đề chủ quyền đối với các đảo ở quần đảo tranh chấp trên. Đại diện Nhật Bản chỉ tuyên bố tiến trình về vấn đề ký hiệp ước hòa bình giữa hai nước vẫn tiếp tục.
Trong hàng chục năm qua, Nga và Nhật Bản đã tìm cách tiến tới ký kết hiệp ước hòa bình sau Chiến tranh Thế giới thứ II. Tuy nhiên, trở ngại chính liên quan tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo tranh chấp Nam Kuril/Vùng lãnh thổ phương Bắc. Quần đảo này gồm 4 hòn đảo mà Nga lần lượt gọi là Iturup, Kunashir, Khabomai và Shicotan, còn Nhật Bản gọi là Etorofu, Kunashiri, Habomai và Shikotan. Vấn đề tranh chấp lãnh thổ này ảnh hưởng nghiêm trọng đến quan hệ ngoại giao và thương mại song phương. Gần đây, hai nước đều thể hiện thiện chí giải quyết tranh chấp thông qua thúc đẩy các hoạt động kinh tế chung tại quần đảo trên.