Theo hãng tin AFP, khi dư luận đang đổ dồn sự chú ý vào xung đột Nga-Ukraine và cuộc tranh cử Tổng thống Pháp, thông tin về đại dịch COVID-19 đã biến mất khỏi các trang tin tức của nước này trong những tuần gần đây.
Cơ quan Y tế công cộng Pháp cho biết trên thực tế, sau nhiều tuần suy giảm ổn định, số ca mắc COVID-19 ở Pháp đang gia tăng trở lại. Hôm 12/3, số ca nhiễm mới ở quốc gia này vượt mốc 73.000 ca, tăng mạnh so với 60.000 ca một tuần trước đó. Ông Guillaume Rozier, người sáng lập trang web CovidTracker do chính phủ tài trợ, cho biết số ca mắc tăng rõ rệt nhất ở miền bắc nước này và dọc bờ biển Địa Trung Hải, tương ứng với những khu vực cho phép trẻ em đi học trở lại sớm nhất.
Các chuyên gia y tế cho rằng việc lơ là các biện pháp phòng dịch, như giãn cách xã hội, đã khiến số ca mắc tăng mạnh ở Pháp. Trong khi đó, nguyên nhân gây bệnh tiềm ẩn - BA.2, biến thể phụ của chủng Omicron - đã xuất hiện. Các nghiên cứu ban đầu cho thấy BA.2 có khả năng lây nhiễm cao hơn tới 30% so với chủng gốc.
Pháp không phải là quốc gia duy nhất ghi nhận số ca nhiễm tăng vọt trong thời gian gần đây. Đức, Anh và Hà Lan cũng báo cáo xu hướng tương tự. Tuy nhiên, giống như các quốc gia châu Âu khác, Chính phủ Pháp đã quyết tâm tuân theo lộ trình từng bước để dỡ bỏ các hạn chế.
Từ ngày 14/3, Pháp sẽ dỡ bỏ hoàn toàn quy định xuất trình hộ chiếu vaccine COVID-19 khi đến các địa điểm công cộng, chỉ chưa đầy một tháng trước cuộc bầu cử tổng thống của nước này. Người dân cũng không cần đeo khẩu trang ở các địa điểm trong nhà. Khẩu trang, biểu tượng của đại dịch, sẽ chỉ còn được sử dụng trên các phương tiện giao thông công cộng, trong bệnh viện và viện dưỡng lão. Song một số chuyên gia và nhân viên y tế cho rằng động thái này là quá sớm.
Trước đó, Bộ trưởng Y tế Olivier Véran cho rằng Pháp sẽ chỉ dỡ bỏ các hạn chế COVID-19 nếu tỷ lệ mắc bệnh - số ca mắc mới ở mức 500 ca/100.000 dân. Hiện con số này ở mức 546 ca. Chính phủ cũng không đạt được mục tiêu đưa số bệnh nhân nguy kịch xuống dưới 1.500 ca. Con số này gần đây đã giảm xuống dưới mốc 2.000 ca, mức thấp nhất kể từ đầu tháng 12.
Ông Jérôme Marty, Chủ tịch Hiệp hội bác sĩ UFML, cho rằng quyết định dỡ bỏ các hạn chế phòng dịch lúc này là quá vội vã và có thể dẫn tới sai lầm. Ông nói: “Tôi sẽ không bận tâm nếu các hạn chế phòng dịch được dỡ bỏ khi số ca nhiễm suy giảm, nhưng rõ ràng tình hình không phải vậy. Hơn nữa, chúng ta đang loại bỏ khẩu trang mà không thực hiện bất kỳ biện pháp song song nào để thông gió tại các không gian kín và ngăn chặn virus lây lan”.
Điều đáng lo ngại là các ca nhập viện ở Pháp cũng có thể bắt đầu tăng trở lại, như những gì đã xảy ra ở Anh, dù tỷ lệ tiêm chủng ở quốc gia này khá cao. Ông cho biết người dân có thể đã tin tưởng hơn vào khả năng bảo vệ của vaccine và hiểu biết hơn về COVID-19 so với trước đây. Tuy nhiên, vấn đề là Pháp vẫn còn 5 triệu dân chưa được tiêm chủng và khoảng 300.000 người bị suy giảm miễn dịch.
Trong khi đó, các nhân viên y tế vô cùng lo ngại về tình hình dịch bệnh ở hòn đảo Guadeloupe thuộc vùng Caribe của nước này, nơi số ca mắc mới một lần nữa vượt ngưỡng báo động. Cho đến nay, mới có 45% dân số trên đảo Guadeloupe được tiêm mũi vaccine COVID-19 đầu tiên. Guadeloupe cũng mới có 1/4 dân số được tiêm mũi vaccine tăng cường. Vào cuối tháng 2, hòn đảo này đã ghi nhận 1.000 ca tử vong vì COVID-19. Các nhân viên y tế địa phương cho rằng COVID-19 là “cuộc tàn sát chưa từng có kể từ dịch tả Guadeloupe năm 1865-1866”.
Một số quốc gia trên thế giới đang dần nới lỏng các biện pháp phòng dịch vào thời điểm biến thể Omicron gây triệu chứng nhẹ hơn bùng phát và đạt tỷ lệ bao phủ vaccine cao. Tuy nhiên, hôm 8/3, Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, cảnh báo rằng “đại dịch này còn lâu mới kết thúc”.