Các vụ đánh bom liên hoàn ở thủ đô Jakarta của đất nước Hồi giáo đông dân nhất thế giới Indonesia là minh chứng cho thấy nguy cơ của chủ nghĩa khủng bố đối với Đông Nam Á ngày càng hiện hữu và các phần tử khủng bố bắt đầu có dấu hiệu hoạt động mạnh tại khu vực này.
Cảnh sát Indonesia tuần tra tại khu nghỉ dưỡng tại Denpasar trên đảo Bali ngày 20/1. Ảnh: AFP/TTXVN |
Loạt vụ nổ bất ngờ ngày 14/1 vừa qua rất có thể là cảnh báo đầu tiên của tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) đối với hệ thống an ninh của các quốc gia Đông Nam Á, đồng thời báo hiệu hiểm họa khủng bố cực đoan đẫm máu đang đe dọa sự bình yên của khu vực.
Có thể nói kể từ vụ đánh bom kép ở thủ đô Jakarta năm 2009, các nhóm Hồi giáo cực đoan đã có đủ thời gian để củng cố lực lượng và chuẩn bị cho các cuộc tấn công khác tại Indonesia. Bên cạnh đó, một số công dân Indonesia đã trở về từ cuộc chiến tại Syria và trở thành “các tế bào khủng bố” ở quê nhà.
Rất nhiều nhóm khủng bố đang hoạt động rải rác ở Indonesia và giờ chúng muốn thể hiện sự tồn tại của mình. Loạt vụ tấn công ở Jakarta xảy ra ngay trong lúc an ninh của Indonesia được siết chặt và lực lượng chống khủng bố của quốc đảo được đặt trong tình trạng báo động cao. Điều đó đặt ra những thách thức lớn về sự liều lĩnh cũng như mức độ ngày càng tinh vi của IS.
Trong bối cảnh các lực lượng IS bị suy yếu ở Syria và Iraq, dường như Đông Nam Á - trung tâm Hồi giáo lớn thứ hai thế giới sau khu vực Trung Đông với hơn 250 triệu tín đồ - đang có nguy cơ trở thành địa bàn hoạt động tiềm tàng của IS bởi khu vực này được cho là một trong những nguồn tuyển mộ quân quan trọng.
Âm mưu xây dựng một nhà nước ở Mindanao (Philippines) của IS là mối đe dọa cực kỳ nghiêm trọng đối với sự ổn định và an ninh của Đông Nam Á, khu vực từ trước tới nay vẫn luôn được coi là ổn định về chính trị, hài hòa về mặt xã hội và có tăng trưởng kinh tế ở mức tương đối.
Điều khiến dư luận hết sức lo ngại là các tổ chức khủng bố trong khu vực có thể liên kết với nhau để thực hiện các vụ tấn công với tính chất phức tạp và mức độ nghiêm trọng hơn bởi chúng nhằm cả vào những mục tiêu “mềm” rất đa dạng, có thể là cảnh sát, dân thường… không chỉ nhằm vào các mục tiêu phương Tây như trước. Một số nhà phân tích dự đoán rất có thể các vụ tấn công khủng bố đẫm máu hơn đang được lên kế hoạch.
An ninh bị đe dọa không chỉ ảnh hưởng đến môi trường hòa bình, an toàn chung của khu vực, mà còn kéo theo nhiều hệ lụy khác. Vì thế, nhận thức và giải quyết đúng đắn các thách thức an ninh hiện nay có ý nghĩa chiến lược quan trọng để đảm bảo hòa bình, ổn định và phát triển bền vững của mỗi quốc gia và của cả khu vực Đông Nam Á. Các quốc gia cần tăng cường cảnh giác, xác định các nguy cơ trong nước để sẵn sàng ứng phó với các mối đe dọa, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.
Ở góc độ khu vực, các nước ASEAN cần tăng cường đoàn kết và hợp tác chặt chẽ nhằm xử lý các thách thức an ninh, thực hiện các cam kết về chia sẻ thông tin tình báo, phòng chống tội phạm xuyên quốc gia, tăng cường các hoạt động kiểm soát an ninh và trấn áp các phần tử Hồi giáo cực đoan.
Bên cạnh đó, việc thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các quốc gia và khoảng cách giàu – nghèo trong từng nước, giữa các vùng miền, hướng tới sự phát triển bền vững cũng là một trong những biện pháp hiệu quả để đảm bảo môi trường an ninh khu vực.