Trừ Lào, 9 nước còn lại thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã ghi nhận ca nhiễm biến thể Omicron. Sự lây lan của biến thể Omicron đang cản trở nỗ lực mở cửa nền kinh tế, buộc nhiều nước phải áp đặt một loạt biện khẩn cấp để phòng chống dịch.
Theo thống kê của trang newsnodes.com chuyên theo dõi biến thể Omicron, tính tới ngày 5/1, Singapore là nước có số ca nhiễm biến thể Omicron cao nhất Đông Nam Á với 2.692 ca. Hiện biến thể Omicron chiếm khoảng 17% số ca lây nhiễm ở Singapore.
Đứng thứ hai là Thái Lan với 2.3 ca, tăng tới hơn 10 lần so với tổng số 205 ca được công bố vào ngày 24/12/2021. Biến thể Omicron đã lây lan khắp 54 tỉnh nước này. Các nước ASEAN còn lại đã ghi nhận ca nhiễm biến thể Omicron gồm Indonesia (254 ca), Malaysia (122 ca), Campuchia (94 ca), Việt Nam (25 ca), Philippines (14 ca), Brunei (9 ca) và Myanmar (4 ca).
"Cơn bão" Omicron đang khiến bài toán vừa chống dịch vừa phục hồi kinh tế của các nước Đông Nam Á thêm khó khăn. Đa số các nước trong khu vực lựa chọn biện pháp siết chặt kiểm soát nhập cảnh, đẩy mạnh công tác xét nghiệm và chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19, trong khi tránh áp đặt các biện pháp hạn chế đi lại nghiêm ngặt hay đóng cửa hoạt động kinh doanh, sản xuất.
Ông Peter Mumford, chuyên gia tư vấn về rủi ro tại Eurasia Group nhận định: "Các quốc gia đang ở trong trạng thái chờ và xem xét. Quốc gia nào đã mở cửa biên giới vẫn sẽ duy trì mở cửa, song tăng cường xét nghiệm sàng lọc người nhập cảnh".
Để chủ động ứng phó với làn sóng lây nhiễm Omicron, Singapore chủ trương duy trì các biện pháp quản lý an toàn hiện có, tăng cường tiêm chủng và cải thiện hệ thống chăm sóc sức khỏe. Tuyến phòng thủ đầu tiên là biên giới được siết chặt thêm một nấc khi Singapore thông báo tạm dừng nhận đặt vé chương trình Làn đi lại cho người đã tiêm vaccine (VTL) từ ngày 23/12/2021-20/1/2022.
Singapore cũng áp dụng biện pháp kiểm soát tỷ lệ lây lan bao gồm giảm thiểu quy mô các cuộc tụ tập và đeo khẩu trang liên tục, cũng như xét nghiệm thường xuyên. Xét nghiệm định kỳ được thực hiện ở nhiều cơ sở chỉ định, cũng như xét nghiệm ngay với những người có triệu chứng giống COVID-19. Kế hoạch mở cửa trở lại cũng được tiến hành song song. Ngày 1/1/2022, 50% người hiện làm việc tại nhà đã được phép trở lại văn phòng.
Trong khi đó, Philippines mở rộng các biện pháp thắt chặt nghiêm ngặt hơn từ vùng đô thị Manila đến các tỉnh xung quanh trong bối cảnh gia tăng các ca mắc COVID-19 sau kỳ nghỉ lễ dịp năm mới. Từ ngày 3/1 đến ngày 15/1, chính quyền thủ đô Manila nâng mức cảnh báo dịch bệnh từ cấp độ 2 lên cấp độ 3. Ở cấp độ này, các lớp học trực tiếp tạm ngưng hoạt động.
Các cơ sở kinh doanh trong nhà chỉ được hoạt động tối đa 30% công suất, cơ sở ngoài trời được hoạt động tối đa 50% công suất và khách tới phải tiêm chủng đầy đủ. Các điểm du lịch, vui chơi giải trí, dịch vụ ăn uống, phòng tập thể thao…cũng giảm hoạt động. Chính quyền có thể phong tỏa cục bộ một khu dân cư, tòa nhà hoặc tuyến phố để ngăn dịch bệnh bùng phát.
Indonesia ban hành thông tư về việc ngăn chặn và kiểm soát các ca mắc COVID-19 nhằm tăng cường sự hiệp lực giữa chính quyền trung ương và địa phương, đồng thời nâng cao nhận thức trong việc quản lý các ca bệnh ở các cơ sở y tế. Các khu vực tăng cường xét nghiệm, truy vết và điều trị, tích cực giám sát nếu phát hiện các cụm COVID-19 mới, đặc biệt là các ca nhiễm Omicron ở cấp địa phương. Người dân cũng được khuyến khích thực hiện nghiêm các quy tắc y tế và lập tức tiêm vaccine ngừa COVID-19. Indonesia cũng đã chuẩn bị 120.000 giường bệnh cùng các trang thiết bị, vật tư y tế để ứng phó với các đợt lây nhiễm mới do biến thể Omicron gây ra.
Chính phủ Malaysia đã quyết định tạm dừng các biện pháp chuyển sang giai đoạn xác định COVID-19 là bệnh đặc hữu. Ngoài việc siết chặt kiểm soát biên giới với các nước và khu vực đã ghi nhận các ca nhiễm Omicron, Bộ Y tế Malaysia chủ trương đẩy nhanh quá trình tiêm chủng, đặc biệt là mũi tiêm vaccine tăng cường.
Trước sự gia tăng số ca nhiễm Omicron từ những người nhập cảnh, Thái Lan đang cân nhắc tiếp tục dừng đến hết tháng 1 chương trình "Test & Go", vốn được coi là chìa khóa cho sự phục hồi kinh tế nhanh chóng. Song song với đó, Thái Lan đang đẩy mạnh chương trình tiêm chủng và tiêm mũi vaccine tăng cường cho người dân. Chính phủ cũng yêu cầu các cơ quan nhà nước và tư nhân cho phép nhân viên làm việc tại nhà ít nhất 14 ngày, cũng như đang cân nhắc áp dụng các biện pháp như hạn chế tụ tập đông người và cấm bán đồ uống có cồn tại các nhà hàng nhằm ngăn chặn làn sóng dịch mới.
Dù tình hình dịch COVID-19 có sự cải thiện rõ rệt với số ca mắc mới hằng ngày chỉ ở mức 1 chữ số, song Chính phủ Campuchia đã yêu cầu các bệnh nhân nhiễm biến thể Omicron không được phép tự điều trị tại nhà mà phải nhập viện. Campuchia cũng lên kế hoạch tiêm thêm tiêm 1 mũi vaccine bổ sung (mũi thứ tư) cho các đối tượng tuyến đầu như cán bộ y tế, nhà báo và vận động viên nhằm tăng cường hơn nữa khả năng miễn dịch trong cộng đồng.
Cùng với đó, Campuchia vẫn đang thúc đẩy việc mở cửa trở lại đất nước với mục đích phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, trong đó ưu tiên ngành du lịch cùng một số ngành nghề kinh doanh khác. Quốc gia này vẫn tiếp tục duy trì chương trình miễn cách ly đối với tất cả du khách đã tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19 cơ bản.
Trước sự lây lan của biến thể Omicron, Việt Nam đã chủ động bám sát diễn biến dịch và xây dựng phương án ứng phó, trong đó ưu tiên việc tăng cường giám sát biên giới để giải mã gene, phát hiện sớm biến thể Omicron. Các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh hay Đà Nẵng cũng đã tăng cường giám sát, quản lý các trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài, đặc biệt các trường hợp đến/đi về từ các quốc gia, khu vực đã ghi nhận biến thể Omicron. Người dân cũng được yêu cầu tiếp tục tuân thủ quy tắc 5K, hạn chế đi lại, tập trung đông người đặc biệt vào dịp lễ tết, cuối năm...
Giới chuyên gia nhận định trong thời gian tới, việc biến thể Omicron lây lan mạnh tại một số nước ở Đông Nam Á là điều khó tránh khỏi. Đơn cử như Singapore, Giáo sư Dale Fisher tại Khoa bệnh truyền nhiễm thuộc Bệnh viện Đại học quốc gia nhận định Omicron có khả năng thay thế Delta trở thành biến thể chủ đạo gây dịch COVID-19 tại nước này trong 2 tháng tới.
Chuyên gia Jomar Rabaijante thuộc Nhóm phản ứng với dịch COVID-19 thuộc Đại học Philippines thì dự báo đỉnh điểm “làn sóng” mới COVID-19 ở nước này có thể rơi vào khoảng thời gian từ giữa tháng 1 đến tuần thứ ba của tháng 2 với 20.000-40.000 ca mắc mới mỗi ngày. Tuy nhiên, với tỷ lệ tiêm vaccine cao hơn cộng với tỷ lệ phơi nhiễm virus SARS-CoV-2 trước đó và việc người dân đã quen sống chung với COVID-19, giới chuyên gia đánh giá Đông Nam Á hiện đã có sự chuẩn bị tốt hơn để tránh cuộc khủng hoảng dịch bệnh trở nên tồi tệ như giai đoạn biến thể Delta hoành hành.
Trong khi đó, ngày càng nhiều dữ liệu cho thấy số ca bệnh nặng và nhập viện vì Omicron không tăng vọt theo số ca nhiễm, mở ra hy vọng làn sóng mới ít nguy hiểm hơn. Đơn cử tại Singapore, thời điểm nước này có gần 2.300 ca nhiễm biến thể Omicron thì chỉ có 3 ca cần hỗ trợ thở oxy trong vòng 3 ngày, không có ca nhiễm nào chuyển nặng phải điều trị tích cực. Trước đây, cứ 2.300 ca nhiễm biến thể Delta thì có khoảng 30 người chuyển nặng cần hỗ trợ thở oxy hoặc điều trị tích cực.
Quan chức của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ông Abdi Mahamud ngày 4/1 cũng cho biết có thêm nhiều bằng chứng cho thấy Omicron ảnh hưởng đến đường hô hấp trên, gây ra những triệu chứng nhẹ hơn các biến thể đã được phát hiện trước đó. Năm nghiên cứu riêng biệt được công bố trong tuần qua đã chỉ ra một trong những yếu tố dường như khiến Omicron ít nghiêm trọng hơn là biến thể này không dễ dàng xâm nhập vào phổi như các biến thể trước. Chuyên gia kinh tế Trinh Nguyễn tại ngân hàng đầu tư Pháp Natixis nhận định sự xuất hiện của Omicron trên thực tế có thể là “điềm báo tốt” khi biến thể này dường như dễ lây truyền hơn nhưng lại gây triệu chứng nhẹ hơn, giúp truyền kháng thể cho nhiều người hơn ở Đông Nam Á, kết hợp với tỷ lệ tiêm vaccine đang tăng lên.
Dẫu vậy, giới chức WHO cảnh báo việc Omicron sớm trở thành biến thể lây nhiễm chủ đạo tại nhiều nước trong vài tuần tới sẽ là mối đe dọa với những nước có tỷ lệ người chưa tiêm vaccine cao. Theo trang Ourworldindata.org, tới nay mới chỉ 41,9% dân số Indonesia đã tiêm đủ liều cơ bản, trong khi con số này ở Philippines là 46,2% và Thái Lan là 65%. Ông Peter Mumford nhận định: “Một số quốc gia Đông Nam Á chưa đạt mức tiêm chủng đủ để coi COVID-19 là đặc hữu. Triển vọng vẫn chưa chắc chắn”. Do đó, tiêm vaccine để nâng cao khả năng miễn dịch của cơ thể vẫn được xem là chìa khóa chống dịch hiệu quả.