Đòi hỏi cấp thiếtTrong hai ngày làm việc, các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương G20 đã nhóm họp tại Thành Đô (Trung Quốc) nhằm “cùng thúc đẩy tăng trưởng, cùng gánh vác trách nhiệm, cùng quản lý, cùng phát triển”. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới đang dần phục hồi, song tình hình vẫn còn nhiều khó khăn phức tạp, thương mại toàn cầu tăng trưởng thấp, mức đầu tư không bằng giai đoạn trước khủng hoảng tài chính, trong khi vẫn chưa tìm ra động lực tăng trưởng bền vững mới cho kinh tế thế giới.
Các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng G20 chụp ảnh chung tại hội nghị ngày 24/7. Ảnh: EPA/TTXVN |
Trong khi đó, các cuộc tấn công khủng bố thường xuyên, diễn ra với mức độ ngày càng gần nhau hơn, là một trong những vấn đề làm phức tạp môi trường kinh tế toàn cầu. Trong vòng một tháng qua, thế giới đã chứng kiến ba cuộc tấn công khủng bố kinh hoàng. Đầu tháng là vụ lái xe tải cán người và nã súng ở Nice (Pháp) làm 84 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương. Tuần trước, một tay súng khủng bố đã bắn chết 9 người ở thành phố Munich trước khi tự sát. Hàng chục người bị thương. Ngay trước khi diễn ra hội nghị G20, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đánh bom vào một đoàn người biểu tình ở thủ đô Kabul của Afghanistan làm 80 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương.
Chủ nghĩa khủng bố đang trở thành một mối đe dọa đối với nền kinh tế thế giới. Đặc biệt, hội nghị G20 diễn ra chỉ một tháng sau cuộc trưng cầu dân ý Brexit (trong đó đa số người Anh chọn rời khỏi Liên minh châu Âu) - sự kiện “chấn động” đặt ra nhiều nguy cơ đối với kinh tế thế giới. Chính bối cảnh cấp thiết mới nói trên đã khiến các đại biểu tham dự có quyết tâm lớn hơn, nhấn mạnh tới các chính sách tài chính và cơ cấu nhằm thúc đẩy tăng trưởng, đồng thời nhắc lại cam kết thúc đẩy hội nhập.
Nỗ lực vượt bậcTại hội nghị, các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương đã tập trung thảo luận các vấn đề quan trọng như tình hình kinh tế toàn cầu, kết cấu tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững và cân bằng, đầu tư và hạ tầng cơ sở, cơ cấu tài chính quốc tế, cải cách ngành tài chính, hợp tác thu thuế quốc tế và tài chính xanh, quỹ biến đổi khí hậu và đầu tư chống khủng bố… Sau hai ngày tích cực, giới chức G20 đã tái khẳng định rằng các nước thành viên sẽ dùng các công cụ tiền tệ và tài chính, cũng như các thay đổi về cấu trúc, trên cơ sở cá nhân hoặc tập thể, nhằm duy trì đà tăng trưởng toàn cầu.
Nếu như các hội nghị tương tự gần đây chỉ đặt ra những mục tiêu đầy tham vọng, thì tại hội nghị lần này, các nhà hoạch định chính sách kinh tế cấp cao nhất của 20 nền kinh tế đã cùng nhau bàn bạc và tìm ra giải pháp chung nhằm thúc đẩy tăng trưởng. Thỏa thuận về việc thiết lập khuôn khổ để đánh giá các cải thiện về cấu trúc, đạt được trong ngày họp cuối cùng của hội nghị, là một trong những giải pháp như thế.
Các nhà hoạch định chính sách kinh tế cấp cao nhất đã nhất trí một hệ thống các tiêu chí cho phép đánh giá các cuộc cải cách ở nước mình trong nhiều lĩnh vực, từ tự do thương mại tới thị trường lao động. Thỏa thuận này được đánh giá là một bước đột phá quan trọng của G20, thể hiện tinh thần trách nhiệm của các nước thành viên trước “sức khỏe” của nền kinh tế thế giới. Bên cạnh đó, các quốc gia thành viên cũng nhất trí đưa ra một báo báo về các chiến lược tăng trưởng và giải trình cập nhật trước Hội nghị Thượng đỉnh sắp tới.
Trở lại chính mìnhĐây là Hội nghị cấp bộ trưởng cuối cùng trước khi diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Hàng Châu (Trung Quốc) vào ngày 4 - 5/9 tới. Trung Quốc, nước chủ tịch G20 năm nay, đã cố gắng để đảm bảo các cuộc gặp đạt kết quả thực sự chứ không chỉ là cuộc nói chuyện suông. Với kết quả đột phá trên, G20 đã trở lại vai trò là một lực lượng điều phối chính sách như hồi năm 2008, khi các quốc gia cùng nỗ lực để tránh một cuộc đại suy thoái sau khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Hiện các thành viên vẫn chưa thống nhất được cách thực hiện và vẫn còn một số bất đồng, đặc biệt giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, với thỏa thuận đột phá trên, các nước thành viên G20 đã chứng tỏ sẵn sàng chủ động ứng phó với những tác động tài chính và kinh tế tiềm tàng do những "cú sốc" như Brexit gây ra.
Với tổng kim ngạch ngoại thương và tổng GDP của các nền kinh tế G20 lần lượt chiếm hơn 80% và 85% trên toàn cầu, G20 đóng vai trò hết sức quan trọng trong kinh tế thế giới. Chính vì vậy, quyết sách của các thành viên G20 sẽ góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy kinh tế thế giới ổn định và tăng trưởng.
Nhóm G20 được thành lập năm 1999 sau cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ châu Á 1997 - 1998. Trong thời gian đầu, G20 nhóm họp thường niên ở cấp Bộ trưởng Tài chính để thảo luận các vấn đề kinh tế - tài chính toàn cầu giữa các nước phát triển và các nền kinh tế mới nổi. Cuối năm 2008, trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu ngày càng lan rộng, Hội nghị Thượng đỉnh G20 đầu tiên đã được tổ chức ở Washington (Mỹ) ngày 15/11/2008 và thông qua được Tuyên bố chung khẳng định cam kết chính trị ở cấp cao nhất về phối hợp hành động ứng phó với khủng hoảng.
Thành viên: G7 (Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Nhật, Canada, Italia), BRICS (Brazil, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Phi), các nền kinh tế mới nổi có quy mô lớn (Australia, Agentina, Mexico, Hàn Quốc, Indonesia, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ) và Liên minh châu Âu (EU). |