Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cáo buộc Đức đang bị Nga "cầm tù" vì sự phụ thuộc năng lượng, và kêu gọi ngừng dự án trị giá 11 tỷ USD nói trên. Phản ứng về việc này, Ngoại trưởng Maas khẳng định: "Vấn đề chính sách năng lượng của châu Âu do châu Âu quyết định, chứ không phải Mỹ. Việc đơn phương áp đặt trừng phạt chống Dòng chảy phương Bắc 2 chắc chắn là cách không nên làm".
Quan hệ Berlin và Moskva đã trở nên căng thẳng kể từ khi Nga sáp nhập Crimea cách đây 4 năm. Tuy nhiên, hai bên có một lợi ích chung trong dự án Dòng chảy phương Bắc 2, giải pháp được cho là sẽ tăng gấp đôi công suất hiện nay của hệ thống đường ống Dòng chảy phương Bắc 1. Gần đây, giới chức Đức vẫn giữ quan điểm phản đối mọi ý định rút khỏi dự án Dòng chảy phương Bắc 2 sau khi một số nghị sĩ nước này gợi ý sử dụng dự án để trừng phạt Moskva trong vụ bắt giữ tàu Ukraine cùng các thủy thủ tại Biển Azov.
Dòng chảy phương Bắc 2 là dự án liên doanh giữa Gazprom với 5 công ty của châu Âu. Khi hoàn thành (muộn nhất vào cuối năm 2019), các đường ống này hàng năm sẽ chuyên chở 55 tỷ m3 khí đốt tự nhiên từ Nga tới các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) thông qua Biển Baltic đến Đức, không đi qua lãnh thổ Ukraine. Các nước Đức, Thụy Điển, Áo và Pháp đã cấp phép xây dựng dự án này. Tuy nhiên, dự án vấp phải sự phản đối của Ukraine, Latvia, Litva và Ba Lan vì cho rằng mang tính chất chính trị. EP cũng đã thông qua nghị quyết phản đối Dòng chảy phương Bắc 2 vì cho rằng dự án này đe dọa an ninh năng lượng châu Âu.
Về phần mình, Washington bày tỏ lo ngại về đường ống trên, vì cho rằng Ukraine sẽ mất đi một khoản thu đáng kể nếu kế hoạch này được thực hiện. Bên cạnh đó, Mỹ cũng đang chào hàng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) do các công ty Mỹ bán nhằm thay thế khí tự nhiên từ Nga.
Điện Kremlin lên án sự phản đối trên là “cạnh tranh không lành mạnh”.