Đức lập ủy ban điều tra vụ do thám của NSA

Các chính đảng trong Quốc hội liên bang Đức ngày 20/3 đã nhất trí thành lập một ủy ban điều tra đặc biệt đối với các hoạt động do thám của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA).

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, ủy ban này sẽ bao gồm 8 thành viên là các nghị sĩ, do ông Clemens Binninger - nghị sĩ thuộc đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của Thủ tướng Đức Angela Merkel - đứng đầu. Khi chính thức đi vào hoạt động từ tháng 4 tới, ủy ban sẽ có nhiệm vụ điều tra về các hoạt động do thám toàn cầu của NSA cũng như đối tác là Cơ quan Tình báo Anh (GCHQ).

Bà Merkel không hài lòng khi biết điện thoại di động của mình bị nghe lén.


Ngoài ra, ủy ban này cũng có các nhiệm vụ: điều tra liệu các cơ quan tình báo Đức có biết, có đồng loã và thu thập dữ liệu của người dân nước này hay không; đánh giá liệu các quyền của người Đức có bị xâm phạm thông qua các hoạt động do thám hay không; tìm hiểu liệu các chính trị gia Đức có là mục tiêu bị theo dõi của NSA hay các cơ quan tình báo khác hay không. Bên cạnh đó, ủy ban đặc biệt sẽ thảo luận về các điều khoản bảo vệ dữ liệu cũng như các phương thức nhằm bảo vệ thông tin liên lạc cá nhân.

Ông Binninger thừa nhận rằng khối lượng và mức độ công việc mà ủy ban phải đảm nhận là "vô cùng khó khăn", bởi tiến trình thu thập bằng chứng sẽ gặp trở ngại và có thể hạn chế về quy mô. Trong khi đó, cùng ngày, báo "Mittelbayerische Zeitung" (Trung Bayern) dẫn các nguồn tin Chính phủ Đức, cho biết ủy ban trên có thể cân nhắc mời cựu nhân viên NSA Edward Snowden tham gia quá trình điều tra. Theo bài báo, Snowden có thể trao đổi với các thành viên ủy ban điều tra qua dịch vụ điện thoại Internet Skype, bởi người này hiện đang tạm lưu trú ở Nga, bị Mỹ truy nã và không thể tự do đi lại.

Vụ bê bối nghe lén của NSA ở Đức từng là tâm điểm gây xôn xao dư luận và gây căng thẳng quan hệ song phương giữa Đức và Mỹ. Tuy nhiên, cho tới nay, hai nước hầu như vẫn chưa đạt được kết quả trong các cuộc thương lượng nhằm đi tới một thỏa thuận "không gián điệp nhau".


TTXVN/Tin tức
Phép thử cho chính sách đối ngoại mới của Đức
Phép thử cho chính sách đối ngoại mới của Đức

Chính phủ liên bang và Tổng thống Đức đã công bố chính sách đối ngoại mới và Nga sẽ là phép thử đầu tiên. Liệu Berlin đã sẵn sàng áp đặt các biện pháp trừng phạt thương mại gây tốn kém hay không?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN