Trong số 15 nước thành viên ECOWAS, có 4 quốc gia gồm Mali, Burkina Faso, Niger và Guinea hiện do quân đội nắm quyền kiểm soát sau các cuộc đảo chính từ năm 2020. Trong khi đó, Sierra Leone - một thành viên khác của ECOWAS - cũng mới ngăn chặn kịp thời một âm mưu đảo chính trong ngày 30/11 vừa qua sau các diễn biến bạo lực trước đó vài ngày.
Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo Tây Phi cho biết những nỗ lực của họ nhằm ngăn chặn làn sóng đảo chính tại các nước trong khu vực đến nay "đạt được rất ít tiến bộ". Chủ tịch Ủy ban ECOWAS Omar Touray nêu rõ: "Bất chấp lệnh trừng phạt và những nỗ lực của ECOWAS, các lực lượng đảo chính ở Niger đã tiếp tục củng cố quyền lực, trong khi chính quyền quân sự của Mali và Burkina Faso đã ngừng hợp tác với khối trong quá trình chuyển tiếp sang chế độ dân sự".
Ông Touray đánh giá tiến độ thực hiện kế hoạch chuyển tiếp dân sự ở những nước này đã chững lại trong thời gian qua.
Về phần mình, Tổng thống Nigeria Bola Ahmed Tinubu - hiện là Chủ tịch ECOWAS, nhấn mạnh sự cần thiết phải tiếp tục tăng cường hợp tác với các chính quyền quân sự trên cơ sở các kế hoạch chuyển tiếp trong ngắn hạn.
Hội nghị thượng đỉnh gần nhất của ECOWAS diễn ra vào đầu tháng 8 vừa qua, tập trung chủ yếu vào tình hình ở Niger sau cuộc đảo chính quân sự ngày 26/7 khiến Tổng thống Mohamed Bazoum bị phế truất và giam lỏng tại dinh thự ở thủ đô Niamey. Khi đó, các nguyên thủ quốc gia Tây Phi không loại trừ khả năng can thiệp quân sự để khôi phục chức vụ cho ông Bazoum và áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế và tài chính nghiêm khắc đối với Niger. Quốc gia này hiện đang do chính quyền quân sự, đứng đầu là Tướng Abdourahamane Tiani, lãnh đạo.