Bà McGuinness cho biết điều này khi trả lời phỏng vấn tờ Financial Times.
Financial Times số ra ngày 3/7 dẫn phát biểu của bà McGuinness nêu rõ bà ủng hộ ý tưởng thành lập cơ quan trên để có được cái nhìn bao quát về các biện pháp trừng phạt và việc thực thi các lệnh trừng phạt này. Theo bà, một số quốc gia thành viên EU hiện có “cơ sở hạ tầng vững chắc” để triển khai các biện pháp trừng phạt, trong khi những quốc gia khác không có được điều kiện tương tự.
Bà McGuinness cho biết nhóm Renew Europe (Đổi mới châu Âu) tại Nghị viện châu Âu mới đây đã đề xuất những thay đổi đối với quy định thiết lập một cơ quan chống rửa tiền có tên Amla, theo đó sẽ tạo ra một “văn phòng trung ương” để thực thi các biện pháp trừng phạt có mục tiêu.
Bà McGuinness thừa nhận rằng Ủy ban châu Âu đang làm việc với các ngân hàng và các tổ chức tài chính khác để đảm bảo rằng họ không hành động thái quá khi thực hiện các biện pháp trừng phạt tài chính. Bà cho rằng quyết định của các ngân hàng về việc không cho phép người Nga sinh sống ở châu Âu mở tài khoản là một hành động quá mức.
Các quốc gia châu Âu đã áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt nhằm vào nhiều lĩnh vực của Nga sau khi Moskva tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hồi cuối tháng 2 năm nay. Các lệnh trừng phạt này của phương Tây là một trong những nguyên nhân gây gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu hiện nay, theo đó đẩy giá lương thực, dầu ăn, phân bón và năng lượng tăng cao.