Theo hãng thông tấn Nga INTERFAX.RU ngày 22/9, Ủy ban châu Âu đã đưa ra các điều khoản làm rõ, theo đó các công ty EU có thể cung cấp dịch vụ vận chuyển và bảo hiểm cho các mặt hàng phân bón, gỗ và than của Nga cho các nước thứ ba.
"Liên minh châu Âu tìm cách tránh để các lệnh trừng phạt của mình ảnh hưởng đến an ninh lương thực và năng lượng của các nước thứ ba trên thế giới, đặc biệt là các nước kém phát triển nhất. Theo nghĩa vụ này, việc chuyển cho các nước thứ ba một số hàng hóa nên được cho phép 'để chống lại tình trạng mất an ninh lương thực và năng lượng trên toàn thế giới' và 'để tránh mọi hậu quả tiêu cực tiềm ẩn" ở các nước thứ ba. Những hàng hóa đó có thể được thực hiện bởi các công ty EU hoặc thông qua lãnh thổ EU (bao gồm cả quá cảnh)", Ủy ban châu Âu nêu rõ.
Những mặt hàng được phép gồm các sản phẩm sau: phân bón; gỗ và sản phẩm xi măng, than đá và các sản phẩm liên quan, một số sản phẩm hóa dầu và thức ăn chăn nuôi.
Tuy nhiên, ngoài những ngoại lệ trên, EU đã nhất trí chuẩn bị các lệnh trừng phạt mới đối với Nga và tăng cường hỗ trợ vũ khí cho Ukraine, sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ký sắc lệnh về động viên một phần quân đội hôm 21/9.
Dự kiến, các bộ trưởng EU sẽ nhóm họp chính thức vào giữa tháng 10 tới với gói trừng phạt mới nhiều khả năng sẽ được hoàn tất vào thời điểm này
Trước đó ngày 14/9, EU đã quyết định gia hạn các biện pháp hạn chế đối với Nga thêm 6 tháng, cho đến ngày 15/3/2023. Các biện pháp hạn chế hiện tại bao gồm hạn chế đi lại đối với cá nhân, đóng băng tài sản và cấm tạo quỹ hoặc các nguồn lực kinh tế khác cho những người và tổ chức của Nga có tên trong danh sách. Theo đó, 1.206 cá nhân và 108 thực thể của Nga sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng bởi các biện pháp hạn chế này.
Sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra vào tháng 2 năm nay, EU đã mở rộng các biện pháp trừng phạt nhằm làm suy yếu đáng kể nền kinh tế của Nga. Cho đến nay, EU đã thông qua 7 gói trừng phạt nhằm vào Moskva.