Theo một quan chức ngoại giao EU, đa số các nước đã tiến gần hơn tới một thỏa thuận chung, song Ba Lan và một số các nước khác vẫn chưa nhất trí với đề xuất gói trừng phạt được đưa ra hôm 7/12, theo đó bản dự thảo đề xuất mới có thể được công bố tối 15/12.
Nguồn tin trên cho biết bất đồng xuất phát từ quan điểm trái chiều về việc liệu EU có nên tạo điều kiện hơn cho xuất khẩu phân bón của Nga qua các cảng châu Âu, ngay cả trong trường hợp các công ty phân bón này có mối liên hệ với các cá nhân và thực thể có tên trong danh sách trừng phạt. Một số ý kiến cho rằng các hạn chế của EU sẽ dẫn đến mối đe dọa an ninh lương thực cho các nước đang phát triển, trong khi một số ý kiến khác lập luận rằng việc nới lỏng sẽ tạo ra "kẽ hở" mà các chủ doanh nghiệp phân bón có thể tận dụng để né tránh trừng phạt. Trong khi đó, một số quốc gia thành viên muốn Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) tham gia vào quá trình cấp phép xuất khẩu phân bón sang các nước có nhu cầu.
Theo quy định, đề xuất gói trừng phạt thứ 9 phải được Hội đồng châu Âu và Nghị viện châu Âu thông qua để có hiệu lực.
Kể từ khi xảy ra cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine hồi tháng 2, EU đã triển khai 8 gói trừng phạt với Nga, tác động đến hơn 1.200 cá nhân và 118 thực thể có liên quan đến nước này. Gói trừng phạt thứ 9 do Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất hôm 7/12, trong đó đưa thêm gần 200 cá nhân và thực thể vào danh sách trừng phạt.
Với gói trừng phạt mới này, EU sẽ ngăn chặn Moskva tiếp cận các thiết bị bay không người lái, đồng thời ban hành thêm các biện pháp trừng phạt kinh tế tiếp theo đối với lĩnh vực khai khoáng và năng lượng của Nga, cũng như quy định kiểm soát và hạn chế xuất khẩu đối với các hóa chất thiết yếu, chất độc thần kinh, linh kiện điện tử và công nghệ thông tin mà Nga có thể sử dụng,...