EU-Iran dùng chiêu này để 'né' trừng phạt Mỹ

Các nước châu Âu đang thảo luận việc thiết lập một kênh thanh toán riêng không sử dụng đồng đô la Mỹ để đảm bảo các doanh nghiệp tiếp tục hoạt động kinh doanh với Iran và duy trì thỏa thuận hạt nhân năm 2015.

Chú thích ảnh
Tàu chở dầu rời cảng Bandar Abbasm phía Nam Iran. Ảnh: AFP

Người đứng đầu phụ trách các vấn đề đối ngoại Liên minh châu Âu bà Federica Mogherini cho biết các nước EU ký thỏa thuận hạt nhân với Iran năm 2015 tiếp tục cam kết tuân theo quy định. Nhóm các nước này đang phối hợp để hình thành một kênh thanh toán đặc biệt hợp tác với Iran.

Trong một tuyên bố đưa ra ngay sau cuộc họp cấp bộ trưởng các bên ký kết còn lại của thỏa thuận Kế hoạch Hành động Toàn diện chung (JCPOA) bên lề Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, bà Mogherini khẳng định: “Với sáng kiến đó, EU đang nỗ lực để tạo ra kênh thanh toán để tiếp tục kinh doanh với Iran một cách hợp pháp, trong bối cảnh Mỹ đang tìm cách kiềm chế xuất khẩu dầu của Tehran với các biện pháp trừng phạt, với mục đích cuối cùng là hạ gục Tehran”.

Các bên tham gia còn lại bày tỏ sự hoan nghênh đề xuất thực tế này để duy trì và phát triển các kênh thanh toán, đặc biệt là sáng kiến thiết lập một phương tiện chuyên dụng liên quan đến xuất khẩu của Iran.

Tuy nhiên, các chuyên gia lại bày tỏ nghi ngờ liệu thực sự kênh thanh toán riêng biệt giữa EU và Iran có thực sự hiệu quả. Họ chỉ ra những trở ngại về tài chính và pháp lý có thể khiến việc hình thành cơ chế thanh toán riêng biệt bị trì hoãn. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết các phương án đề xuất “sẽ không làm cho các công ty lớn quốc tế và châu Âu, đang phụ thuộc rất nhiều vào Mỹ, cân nhắc quyết định rút công việc làm ăn khỏi Iran”.

Trong một cuộc phỏng vấn trả lời đài Sputnik, cựu Đại sứ Pháp tại Iran Francois Nicoullaud nhận định: “Theo tôi, phải kiên nhẫn chờ đợi cơ chế này xuất hiện […]. Cơ chế này được hình thành để duy trì thỏa thuận hạt nhân của Iran và không giao dịch bằng đồng đô la Mỹ. Đây là vấn đề chính có thể tạo thêm nhiều rủi ro cho các công ty sẵn sàng hợp tác với Iran”.

“Vẫn còn rất khó khăn để phát triển một hệ thống thanh toán riêng đối với ngành dầu mỏ. Dầu được buôn bán bằng đồng đô la. Đây là vấn đề đầu tiên mà cơ chế thanh toán mới cần phải giải quyết. Nếu như một công ty châu Âu thành công trong việc mua dầu Iran, thanh toán bằng đồng rupee hoặc các loại tiền tệ khác, rất có thể trong khoảng thời gian mua và nhận dầu, sản phẩm sẽ qua tay rất nhiều nước và bị trộn lẫn với các loại dầu khác”, nhà ngoại giao Francois phân tích.

Ông còn chỉ ra thêm người Mỹ sẽ tìm mọi cách để hiện thực hóa các biện pháp trừng phạt và đảm bảo không có “gian lận” trừng phạt.

Khi được hỏi liệu Washington sẽ tiếp tục gây sức ép đối với Iran và các đối tác của mình, cựu ngoại giao Francois Nicoullaud cảnh báo các biện pháp trừng phạt có hiệu lực trong tháng 11 mới là mối đe dọa chính. "Bài phát biểu của Tổng thống chủ yếu về các biện pháp trừng phạt dầu mỏ. Ông nói ngay từ đầu mục tiêu của ông là để đảm bảo Iran không thể bán một giọt dầu. Nhật Bản và một số nước khác lập luận rằng họ không thể làm gì nếu không có dầu của Iran và họ cần mua ít dầu từ Tehran. Vâng, một vài trường hợp ngoại lệ sẽ vẫn được cho phép, nhưng chỉ là rất ít thôi”, nhà ngoại giao Francois lưu ý.

Giai đoạn trừng phạt đầu tiên của Mỹ nhằm vào Iran có hiệu lực từ ngày 6/8, với mục tiêu là lĩnh vực ô tô, giao thương vàng và các nguyên liệu kim loại thiết yếu khác.

Các biện pháp trừng phạt còn lại sẽ có hiệu lực vào ngày 4/11 tới, nhắm vào lĩnh vực năng lượng của Tehran, hoạt động buôn bán liên quan đến dầu mỏ với Ngân hàng Trung ương Iran.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức
Tàu khu trục Trung Quốc áp sát nguy hiểm chiến hạm Mỹ trên Biển Đông
Tàu khu trục Trung Quốc áp sát nguy hiểm chiến hạm Mỹ trên Biển Đông

Một tàu khu trục Trung Quốc đã áp sát nguy hiểm tàu khu trục USS Decatur của Mỹ đang hoạt động “tự do hàng hải” trên Biển Đông, buộc tàu Mỹ phải đổi hướng để tránh va chạm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN