Theo ấn phẩm nói trên, phương án đầu tiên là hoặc áp giá trần đối với tất cả khí đốt nhập khẩu từ Liên bang Nga, hoặc thành lập một người mua khí đốt Nga duy nhất để tiến hành đàm phán về giá nhiên liệu này. Brussels cho rằng những hành động như vậy có thể dẫn đến nguy cơ các trường hợp bất khả kháng trong hợp đồng của các công ty châu Âu với Tập đoàn Năng lượng Nga Gazprom và “có thể leo thang căng thẳng địa chính trị”.
Phương án thứ hai là phân chia các nước EU thành các vùng được gọi là màu đỏ và màu xanh lá cây, tuỳ thuộc vào mức độ rủi ro gián đoạn nguồn cung cấp khí đốt. Tại khu vực màu đỏ, giá có thể được giới hạn, trong khi ở khu vực màu xanh lá cây, giá có thể duy trì đủ cao để tạo điều kiện thuận lợi cho khí đốt đến các nước trong khu vực màu đỏ. Văn kiện cũng nhấn mạnh biện pháp này khó thực hiện và phụ thuộc phần lớn vào sự phối hợp giữa các nước EU.
Trước đó, ngày 2/9, các Bộ trưởng Tài chính Nhóm G7 đã thông báo dự định áp giá trần đối với dầu của Nga. Để thực hiện điều này, G7 muốn thiết lập một “liên minh quốc tế rộng rãi” và cấm cung cấp bấy kỳ dịch vụ nào cho việc vận chuyển dầu bằng đường biển của Nga nếu bán với giá cao hơn mức trần mà “liên minh” này thống nhất. Đồng thời, người đứng đầu EC, Ursula von der Leyen kêu gọi đưa ra mức giá trần đối với cả khí đốt của Nga tại EU.
Ngày 5/9, Bloomberg đưa tin các chuyên gia của các nước EU sẽ thảo luận về việc áp giá trần đối với khí đốt nhập khẩu từ Nga vào ngày 7/9. Theo ấn phẩm, cuộc họp kỹ thuật sẽ xem xét hai chiến lược khả thi đối với khí đốt Nga: áp giá trần và phương pháp định giá hành chính trong trường hợp khẩn cấp cho các khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi sự gián đoạn nguồn cung cấp nhiên liệu.