Các Bộ trưởng cũng thống nhất nhận thức rằng bên cạnh lợi ích to lớn mà AI mang lại cho xã hội, cần thiết phải tránh những rủi ro và xác nhận sẽ thúc đẩy lưu thông dữ liệu một cách tự do xuyên biên giới quốc gia; đồng thời trên cơ sở đề xuất của Nhật Bản, cùng đề xướng một quy tắc về truyền tải dữ liệu, trong đó dữ liệu phải được “lưu thông tự do với sự tin cậy” theo thuật ngữ “Data Free Flow with Trust” (DFFT).
Tuyên bố chung nêu rõ hội nghị “chia sẻ về lợi ích to lớn của AI, đồng thời giảm tới mức thấp nhất quan ngại về những rủi ro” mà công nghệ này tác động. Đây là lần đầu tiên G20 thống nhất về một quy tắc dành cho AI. Những mặt tiêu cực của AI đã được chỉ ra như xâm hại quyền riêng tư, lấy đi việc làm của người lao động… Vì vậy, các nước G20 sẽ thực hiện xây dựng “một xã hội tương mà trọng tâm là con người”.
Trong bối cảnh những khối lượng dữ liệu khổng lồ đang hàng ngày được tích lũy, lưu trữ như dữ liệu kinh doanh, sản xuất..., việc tận dụng hợp lý nguồn tài nguyên này có thể tạo ra một cuộc cách mạng kỹ thuật. Tuy nhiên, nếu thông tin bị lộ lọt sẽ dẫn tới những rủi ro về an ninh. Đây là vấn đề mà hội nghị nhất trí cần phải được xây dựng thành quy định về giao dịch điện tử để bổ sung vào các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Trước đó, trong khuôn khổ Hội nghị Tương lai châu Á diễn ra tại Tokyo hôm 30/5, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã đề xướng việc hoàn thiện những quy tắc có tính tin cậy cao hướng tới xây dựng một “khu vực lưu thông dữ liệu” - nơi dữ liệu được truyền tải tự do vượt qua biên giới quốc gia. Những quy tắc này sẽ được bổ sung vào khuôn khổ pháp lý của WTO. Đề xướng này được đánh giá sẽ “thổi làn gió mới vào WTO như một mũi tên trúng hai đích” tạo ra một khuôn khổ đàm phán để cải cách WTO.
Hội nghị Bộ trưởng kinh tế, kĩ thuật số và thương mại G20 lần này là một trong những khâu chuẩn bị quan trọng cho chương trình nghị sự, thống nhất tuyên bố chung cho Hội nghị Thượng đỉnh G20 dự kiến sẽ diễn ra tại Osaka, Nhật Bản từ ngày 28 – 29/6.