Khi đón đứa con đầu lòng vào năm 2006, Sylvie Droulans đã tự hỏi làm thế nào để giảm lượng khí thải carbon của gia đình cô. Mười bốn năm sau, cô tự chúc mừng thành quả của mình. Sylvie Droulans hiện nay là một điển hình của không rác thải. Trên blog "Zero carabistouilles" (Những điều không tưởng) của mình, Sylvie chia sẻ các mẹo hàng ngày của cô để chuyển từ túi rác 80 lít mỗi tuần thành can hai lít cứ sau 20 tháng. Một sáng kiến mà cô đã thực hiện từ năm 2015.
Quá trình chuyển đổi sinh thái của người phụ nữ này là kết quả của một câu hỏi dài. “Chúng ta thường tự nói là chỉ có một mình và sẽ chẳng thay đổi được điều gì lớn lao. Nhưng điều quan trọng là phải đặt câu hỏi về vị trí của chúng ta với tư cách là một người tiêu dùng. Hãy tự hỏi bản thân về những việc nhỏ mà chúng ta có thể làm trên quy mô của riêng mình", Sylvie Droulans giải thích.
Đối với Sylvie, thay đổi quan trọng nhất là tránh các siêu thị lớn. Mặc dù việc dễ dàng mua các sản phẩm chế biến sẵn và có dâu tây sử dụng quanh năm là điều hấp dẫn, nhưng nó cũng rất ô nhiễm. Do đó, cô đã lựa chọn một quy trình bằng cách mua số lượng lớn càng nhiều càng tốt từ các nhà sản xuất địa phương.Tuy nhiên, điều này đôi khi dẫn đến một số thất vọng nhỏ: “Ví dụ như năm nay, vì thời tiết, chúng tôi hầu như không có dâu tây, điều đó hơi thất vọng”, Sylvie nói, “nhưng nó cũng nhắc nhở chúng tôi rằng nông nghiệp phụ thuộc vào các mùa". Vì vậy, cô và gia đình điều chỉnh nhu cầu dần dần. “Bạn dễ dàng thấy có những quầy hàng siêu thị quá đông đúc, nhưng bạn cũng nhận ra việc không bình thường khi có dâu tây và chuối vào tháng Chạp." Sylvie cũng cho biết, ngoài việc hạn chế rác thải, thì việc mua hàng tận gốc cũng tiết kiệm đáng kể. “Với hai mươi euro, bạn có một rổ 10 kg rau, hiếm khi bạn có được mức giá đó trong các cửa hàng".
Thay thế điện bằng năng lượng tự thân
Bằng cách lựa chọn lối sống ít phát thải, Sylvie và gia đình cũng phải suy nghĩ về cách di chuyển của mình. “Chiếc xe đạp đã là một phần cuộc sống của chúng tôi trước khi chuyển sang lối sống sinh thái”, bà mẹ hai con giải thích.
Gia đình cô vẫn có ô tô nhưng chỉ sử dụng trong những dịp hiếm hoi khi cần. "Thời gian còn lại, chúng tôi cố gắng sử dụng phương tiện công cộng càng nhiều càng tốt, tuy không phải lúc nào cũng dễ dàng hoặc tiết kiệm hơn", cô cho biết. Đối với một số chuyến đi bằng tàu đôi khi lại tốn kém hơn đi bằng máy bay nhưng lại tránh được ô nhiễm cho môi trường. “Để đi thăm gia đình tôi sống ở miền Nam nước Pháp, việc đi tàu hỏa thật sự là rất tốn kém "
Trong nhà bếp của họ cũng vậy, gia đình chọn sử dụng "cơ bắp" thay vì các thiết bị điện. “Bạn có thể nghĩ rằng đánh bông trứng mất nhiều thời gian hơn, nhưng đánh bằng tay cũng nhanh chứ. Đối với các thiết bị điện không thường xuyên, chẳng hạn như bếp nướng vỉ, họ chọn giải pháp đi thuê. “Có rất nhiều thứ chúng tôi đi thuê để tránh làm cồng kềnh cái tủ. Có những thiết bị thỉnh thoảng mới sử dụng nên không cần thiết phải sắm", Sylvie nói.
Quay lại công thức nấu ăn của bà ngoại
Đối với các hộ gia đình, sản phẩm tẩy rửa, mỹ phẩm thường gây ra một lượng lớn rác thải. Do đó, đây cũng là một trong những mặt hàng dễ dàng cắt giảm tiêu dùng nhất. Với gia đình bốn người, Sylvie từ bỏ hóa chất gia dụng và quay trở lại các giải pháp ngày xưa.
"Tại sao lại sử dụng hàng tấn đồ công nghiệp khi bạn có một ít giấm, baking soda và axit citric?", Sylvie nói đùa.
Tương tự đối với phòng tắm, sữa tắm đã nhường chỗ cho xà phòng đặc dùng được lâu hơn gấp ba lần. Điều này giúp tiết kiệm được khoảng 100 euro mỗi năm. Cùng với những khoản khác, gia đình chị Sylvie tiết kiệm được gần 2.000 euro mỗi năm.