Tối 30/4, tại thủ đô Bamacô của Mali, giao tranh lại bùng phát giữa các cận vệ trung thành với Tổng thống bị lật đổ Amadou Toumani Toure và các binh lính ủng hộ lực lượng đảo chính, làm một số người thiệt mạng.
Ngày 6/4, Mặt trận dân tộc giải phóng Azawad (MNLA) của phiến quân Tuareg đã tuyên bố độc lập ở khu vực miền Bắc Mali sau khi chiếm được ba thành phố quan trọng Timbuktu, Gao và Kidal. Trong ảnh: Người dân Mali từ thành phố Gao tới lánh nạn tại thành Bomacô ngày 6/4 AFP-TTXVN |
Giao tranh diễn ra tại trụ sở Đài phát thanh và truyền hình quốc gia (ORTM) và thị trấn quân sự Kati, nơi được coi là tổng hành dinh của các binh sĩ nổi loạn do Đại úy Amadou Sanogo đứng đầu. Sự việc xảy ra sau khi các binh lính ủng hộ Ủy ban quốc gia vì sự chấn hưng dân chủ và khôi phục nhà nước (CNRDRE) có ý định bắt giữ cựu Chỉ huy đội cận vệ tổng thống. Một nhân viên ORTM cho biết có người thiệt mạng trong các cuộc giao tranh, song không đưa ra con số chính xác.
Một nguồn tin nhận định "đang có một âm mưu đảo chính chống lại ông Sanogo" do những người ủng hộ Tổng thống bị lật đổ Toure tiến hành. Bản thân ông Toure đã sang Xênêgan cách đây 10 ngày sau khi từ chức tổng thống.
Cùng ngày, lực lượng đảo chính tuyên bố đã kiểm soát được thủ đô, đánh bại âm mưu phản công. Trong khi đó, người phát ngôn của CNRDRE cáo buộc lực lượng chống chính quyền quân sự có sự giúp sức của lính đánh thuê từ các nước trong khu vực.
Tình trạng giao tranh tái bùng phát đã xua tan hy vọng về khả năng trật tự tại quốc gia Tây Phi này sớm được lập lại sau cuộc đảo chính quân sự hôm 22/3, đồng thời tạo cơ hội cho phiến quân Tuareg và các tay súng Hồi giáo cực đoan chiếm các thành phố miền Bắc và tuyên bố ly khai. Trước đó, dưới sức ép của khu vực và quốc tế, CNRDRE đã chuyển giao quyền lực cho Tổng thống lâm thời Diouncounda Traore hôm 12/4. Theo thỏa thuận chuyển giao quyền lực, lực lượng đảo chính nắm giữ các bộ Quốc phòng, An ninh và Hành chính lãnh thổ trong một chính phủ gồm 24 bộ dưới sự điều hành của Thủ tướng Cheich Modibo Diarra.
Các cuộc giao tranh cũng đã phá vỡ kế hoạch gặp gỡ giữa nhà trung gian hòa giải của Cộng đồng Kinh tế các nước Tây Phi (ECOWAS), Tổng thống Buốckina Phaxô Blaise Compaore và phái đoàn chính quyền quân sự Mali dự kiến diễn ra trong ngày 1/5.
Trước đó, ông Compaore đã gặp và thương lượng với phái đoàn cấp cao của chính quyền chuyển tiếp Mali nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình và hiệu quả cho vấn đề Mali. Tại cuộc gặp diễn ra ở thủ đô Uagađugu của Buốckina Phaxô, ECOWAS bày tỏ nghi ngờ về việc chuyển giao quyền lực của chính quyền quân sự hôm 12/4 vừa qua và yêu cầu những người đứng đầu cuộc đảo chính tuân thủ cam kết của mình, nếu không sẽ chịu sự trừng phạt nghiêm khắc và cứng rắn hơn của ECOWAS và cộng đồng quốc tế. Trước đó, Đại úy Sanogo đã bác bỏ quyết định của ECOWAS đưa quân đội nước ngoài tới giám sát tiến trình chuyển tiếp tại Mali cũng như bác bỏ đề nghị tổ chức bầu cử trong vòng 12 tháng.
Trong một diễn biến khác, cùng ngày, ECOWAS đã áp đặt trừng phạt Ghinê Bítxao sau khi chính quyền quân sự ở nước này từ chối yêu cầu của ECOWAS về việc ấn định thời điểm tổ chức bầu cử trong vòng 12 tháng. Lệnh trừng phạt đã có hiệu lực từ đêm 29/4, bao gồm các biện pháp trừng phạt có chủ đích nhằm vào giới lãnh đạo chính quyền quân sự Ghinê Bítxao, cùng với các biện pháp trừng phạt ngoại giao, kinh tế và tài chính khác đối với nước này. ECOWAS đã đưa ra lệnh trừng phạt mới sau khi cuộc đàm phán với chính quyền quân sự Ghinê Bítxao nhằm khôi phục trật tự hiến pháp tại nước này đổ vỡ.
Sau Mali, Ghinê Bítxao là thành viên thứ hai của ECOWAS xảy ra đảo chính trong vòng chưa đầy một tháng. Lực lượng đảo chính tại đây đã ký thỏa thuận với 6 đảng phái đối lập về một giai đoạn chuyển tiếp kéo dài hai năm, sau đó tổ chức tổng tuyển cử. Trong khi đó, tại Mali, tình hình phức tạp hơn nhiều khi các tay súng người Tuareg chiếm giữ ba thành phố trọng điểm ở miền Bắc và tuyên bố ly khai, thành lập nhà nước Azawad, gây chia rẽ Mali.
TTXVN/Tin tức