Giao tranh tái diễn tại biên giới Azerbaijan-Armenia

Bộ Quốc phòng Azerbaijan ngày 16/7 thông báo căng thẳng vẫn tiếp tục leo thang tại tỉnh Tovuz trên biên giới với Armenia và tái diễn các vụ đụng độ bạo lực tại đây.

Chú thích ảnh
Binh sĩ Armenia vào vị trí tại tiền tuyến khu vực Tavush ngày 14/7. Ảnh: AP

Dẫn thông báo của Bộ Quốc phòng Azerbaijan, hãng thông tấn Nga TASS cho biết: “Từ sáng 16/7, các đơn vị lực lượng vũ trang của Armenia đã tìm cách tấn công vào các vị trí của quân đội Azerbaijan tại tỉnh Tovuz biên giới hai nước”.

Cụ thể, các làng Agdam, Dondar Gushchu và Vahidli đã bị nã pháo cỡ lớn. Rất may không có dân thường thương vong. “Hiện giao tranh vẫn đang tiếp diễn theo hướng đó. Tuy nhiên, quân đội Azerbaijan đã kiểm soát được tình hình", thông báo của Bộ trên nhấn mạnh.

Về phần mình, cùng ngày, Bộ Quốc phòng Armenia cho biết các đơn vị Azerbaijan bắt đầu nã pháo sang các làng Aygepar và Movses.

Video lực lượng Azerbaijan tấn công phá hủy các vị trí của quân đội Armenia ngày 14/7 (nguồn: Bộ Quốc phòng Azerbaijan):

Từ cuối tuần trước, căng thẳng giữa hai nước leo thang sau vụ đụng độ gây thương vong cho cả hai bên. Bộ Quốc phòng Azerbaijian tố cáo Armenia nhiều lần vi phạm lệnh ngừng bắn đạt được vào năm 1994 và nã pháo cùng đạn cối vào các vị trí của nước này.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Armenia lại tuyên bố cuộc xung đột nổ ra sau khi binh sĩ Azerbaijan tìm cách vượt qua biên giới hai nước và sau đó dùng xe tăng, pháo bắn vào các vị trí đóng quân của Armenia. Ít nhất 16 người thuộc cả hai phía được cho là đã thiệt mạng trong các vụ tấn công từ ngày 12/7 đến nay.

Kể từ tháng 2/1988, Armenia và Azerbaijan luôn trong tình trạng đối đầu về vùng biên giới Nagorno-Karabakh tranh chấp. Khu tự trị Nagorno-Karabakh đã tuyên bố tách khỏi Azerbaijan. Trong thời kỳ xung đột 1992-1994, Azerbaijan mất quyền kiểm soát đối với Nagorno-Karabakh và 7 vùng lân cận. 

Nagorny-Karabakh là vùng lãnh thổ có đa số dân là người Armenia, nhưng bị sáp nhập vào Azerbaijan từ thời Liên Xô cũ. Vào đầu thập niên 1990, lực lượng ly khai người Armenia, với sự hậu thuẫn của chính quyền Armenia, đã kiểm soát được vùng này, sau một cuộc chiến đã khiến 30 nghìn người thiệt mạng và hàng trăm nghìn người phải chạy lánh nạn, chủ yếu là người Azerbaijan.
Chiến sự đã chấp dứt với lệnh ngừng bắn vào năm 1994, nhưng vẫn không giải quyết được vấn đề của vùng lãnh thổ này.

Từ năm 1992, Nhóm Minsk được Hội nghị về An ninh và Hợp tác châu Âu thành lập, do Nga, Mỹ và Pháp đồng chủ tịch đã tổ chức các cuộc đàm phán để tìm ra một giải pháp hòa bình đối với cuộc xung đột giữa hai nước.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức
Azerbaijan không định triển khai các hoạt động quân sự trên biên giới với Armenia
Azerbaijan không định triển khai các hoạt động quân sự trên biên giới với Armenia

Ngày 15/7, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev tuyên bố nước này không có kế hoạch tiến hành các hoạt động quân sự tại khu vực biên giới với Armenia.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN