Tổ chức Y tế thế giới cũng đã hối thúc các công ty dược phẩm phải có những điều chỉnh phù hợp trong nghiên cứu và bào chế để tăng hiệu quả của vaccine chống lại các biến thể mới có tốc độ lây nhiễm nhanh hơn.
Theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, ngày 29/7, Tiến sĩ Nurul Yuziana Mohd Yusof, giảng viên cấp cao Khoa Khoa học Trái đất và môi trường, Đại học Kebangsaan Malaysia, đã có những đánh giá về hiệu quả của vaccine các hãng Sinovac, Pfizer/BioNTech và AstraZeneca Plc. Bà đánh giá cả 3 vaccine này đều đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc ngăn chặn diễn biến bệnh nặng trong trường hợp bị nhiễm COVID-19.
Đề cập đến sự khác biệt giữa vaccine của các hãng, Tiến sĩ Nurul Yuziana cho rằng vaccine của Pfizer/BioNTech và AstraZeneca tạo ra các kháng thể đặc hiệu cho protein đột biến của virus, trong khi vaccine của hãng Sinovac tạo ra các kháng thể chống lại toàn bộ cấu trúc của virrus, bao gồm cả protein đột biến của nó.
Về hiệu quả của ba loại vaccine chống lại các biến thể COVID-19 mới, Tiến sĩ Nurul Yuziana cho biết các nghiên cứu khác nhau đã chỉ ra rằng hai liều vaccine của Pfizer/BioNTech và AstraZeneca có hiệu quả từ 50% so với các biến thể mới.
Bà dẫn kết quả một nghiên cứu công bố trên tạp chí Y học New England gần đây cho biết vaccine của Pfizer/BioNTech đã được chứng minh là có hiệu quả lên tới 93,7% đối với biến thể Alpha và 88% đối với Delta, trong khi đối với AstraZeneca hiệu quả là 74,5% (Alpha) và 67% (Delta). Đối với Sinovac, cho đến nay, vẫn chưa có dữ liệu khoa học nào để đánh giá hiệu quả với các biến thể mới.
Theo Tiến sĩ Nurul Yuziana, hiệu quả của bất kỳ loại vaccine nào chỉ có thể được xác định chắc chắn thông qua phân tích toàn diện bao gồm nhiều dữ liệu khác nhau, bao gồm cả tỷ lệ dân số tiêm vaccine.
Ngoài ra, bà cho rằng cần tiến hành các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm để có phân tích chi tiết hơn về loại biến thể, so với các phương pháp sàng lọc COVID-19 hiện có như phương pháp RT-PCR và phân tích gene để tìm hiểu sự thay đổi gene hoặc đột biến của virus.