Hà Lan, Đức, Nam Phi và Anh nằm trong số các quốc gia đã công bố kế hoạch dỡ bỏ phần lớn các hạn chế COVID-19, bất chấp sự lây lan của biến thể Omicron.
Hàng loạt thông báo, bao gồm cả kế hoạch chấm dứt giãn cách xã hội ở Hà Lan, được đưa ra khi các nhà lãnh đạo và quan chức y tế ở một số khu vực cho rằng đại dịch COVID-19 đang bước vào một giai đoạn mới và kêu gọi mọi người bắt đầu “học cách sống chung với COVID”.
Trong tháng 2, tiến sĩ Anthony Fauci-chuyên gia hàng đầu về các bệnh truyền nhiễm tại Mỹ nhận định rằng nước này đang thoát khỏi “giai đoạn đại dịch phát triển mạnh”. Vào tháng 1, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cũng kêu gọi các nước châu Âu bắt đầu điều trị COVID-19 như một căn bệnh địa phương tương tự cúm.
Kênh Al Jazeera cho biết quan điểm đại dịch đang bước vào một giai đoạn mới hình thành sau nhiều nghiên cứu ban đầu cho thấy Omicron gây ra bệnh ít nghiêm trọng hơn so với các biến thể trước đó. Các quan chức y tế nhấn mạnh rằng ở các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng tương đối cao, sự lây lan của Omicron đã không dẫn đến gia tăng đáng kể về tỷ lệ nhập viện và tử vong.
Tuy vậy, một số nhà khoa học và quan chức y tế cảnh báo rằng các động thái chấm dứt quy định phòng dịch COVID-19 có thể là quá sớm trong giai đoạn này của đại dịch.
Nới lỏng các hạn chế
Vào cuối tháng 1, làn sóng Omicron tại Nam Phi bắt đầu giảm nhiệt. Chính phủ Nam Phi tuyên bố những người dương tính với COVID-19 nhưng không có triệu chứng sẽ không cần phải cách ly. Bên cạnh đó, những người tiếp xúc với người dương tính với virus SARS-CoV-2 sẽ không cần phải cách ly nếu không biểu hiện triệu chứng.
Giáo sư Mosa Moshabela tại Đại học KwaZulu-Natal (Nam Phi) đánh giá các chỉ thị này là “đầy đủ và mạnh mẽ” trong điều kiện số ca mắc mới giảm, mức độ miễn dịch cao. Nhưng ông cảm thấy chính phủ “thiếu sót” trong việc truyền đạt các chính sách cách ly mới đến công chúng đồng thời ông nhấn mạnh đến sự cần thiết của “trách nhiệm cá nhân”.
Giáo sư Moshabela phân tích: “Họ cần nói rằng chúng tôi không bắt buộc các bạn cách ly nếu không có triệu chứng nhưng điều này không có nghĩa bạn từ bỏ trách nhiệm bảo vệ những người xung quanh mình”.
Một số quốc gia châu Âu bao gồm Đan Mạch và Na Uy, đã bỏ hầu hết các hạn chế về COVID-19. Áo, Thụy Sĩ và Đức cũng công bố kế hoạch nới lỏng hạn chế. Thủ tướng Anh Boris Johnson vào tuần trước cho biết hầu hết quy định về COVID-19 tại nước này sẽ được nới lỏng vào cuối tháng 2. Trong giai đoạn từ 7-13/2, Anh ghi nhận 8.877 trường hợp mắc COVID-19, giảm 30% so với tuần trước đó.
Tuy nhiên, giáo sư Paul Hunter tại Đại học East Anglia lại cho rằng nên nới lỏng hạn chế tại Anh từ cuối mùa Đông, khoảng cuối tháng 3. Ông nói: “Quan điểm của tôi là sẽ hợp lý hơn nếu chúng ta đợi đến cuối tháng 3 khi virus đường hô hấp lây truyền chậm hơn và giảm bớt”.
Bảo vệ những người yếu thế
Lo ngại hàng đầu liên quan đến việc gỡ bỏ thời gian cách ly và một số hạn chế khác là về cộng đồng nhiều rủi ro, bao gồm người cao tuổi và mắc bệnh nền.
Giám đốc chiến lược tại quỹ từ thiện Scope (Anh) nêu ý kiến: “Không nên buộc bất cứ ai phải đánh cược với cuộc đời của họ, chúng ta cần chính phủ giải thích với người khuyết tật họ sẽ an toàn thế nào nếu những quyết định này được áp dụng”.
Ông Taylor cho biết kể từ khi biến thể Omicron lây lan, một số người khuyết tật và suy giảm miễn dịch ngày càng cảm thấy rằng họ bị bỏ mặc. Do vậy, ông bổ sung: “Chúng ta không được quên người khuyết tật trong quá trình nhanh chóng sống chung với COVID-19”.
Ông Raywat Deonandan tại Đại học Ottawa (Canada) cảnh báo rằng chấm dứt quy định cách ly tại một số quốc gia nơi khả năng miễn dịch của dân chúng chưa đạt mức cao có thể tăng rủi ro lây truyền COVID-19 trong cộng đồng.
Trong khi đó, giáo sư Mosa Moshabela nhấn mạnh rằng nới lỏng các hạn chế COVID-19 có thể dẫn đến lây lan dịch bệnh và tăng các ca mắc hội chứng COVID kéo dài.
Quan ngại về kinh tế
Sau gần 2 năm đối mặt với đại dịch COVID-19, một trong những tranh cãi liên quan đến việc nới lỏng các hạn chế là tác động của điều này với nền kinh tế.
Ông Raywat Deonandan nhận định mặc dù chắc chắn khoảng thời gian cách ly có gây ảnh hưởng đến nền kinh tế, tạo tình trạng thiếu hụt lao động nhưng dịch COVID-19 bùng phát ở những nơi có tỷ lệ tiêm vaccine thấp có thể khiến người lao động “mệt mỏi và hiệu quả làm việc kém đi”. Điều này được đánh giá cũng gây tổn thương cho kinh tế.
Ông nhấn mạnh: “Tôi đã chứng kiến nhiều vụ việc, không chỉ từ COVID-19 mà còn từ các dịch bệnh khác như sốt rét, khi việc lây nhiễm không được kiểm soát sẽ dẫn đến ảnh hưởng nghiêm trọng kinh tế. Y tế công cộng và kinh tế không tách biệt, chúng đan xen vào nhau”.
Ông Deonandan gợi ý rằng một biện pháp có thể áp dụng là tập trung vào xét nghiệm để nhận diện những người mắc COVD-19 tại nơi làm việc, trường học.
Ông Timothy Sly tại Đại học Toronto (Canada) cho rằng việc nới lỏng các hạn chế khi số ca mắc mới giảm là có thể xảy ra nhưng cần không để virus lây lan không kiểm soát, dẫn đến quá tải các bệnh viện. Ông đề xuất: “Việc nới lỏng các biện pháp phòng dịch cần phải thực hiện chậm rãi và cẩn trọng, theo dõi các chỉ số ở bệnh viện, khu chăm sóc tích cực và lượng virus trong nước thải”.