Dự luật do Hạ viện thông qua mang tên "Đạo luật Hành động ngay vì khí hậu", cấm sử dụng các quỹ liên bang vào kế hoạch rút khỏi thỏa thuận trên, và buộc tổng thống phải phát triển một kế hoạch nhằm thực hiện các nghĩa vụ của Mỹ theo Hiệp định Paris, trong đó có việc đến năm 2025 phải cắt giảm 26 - 28% khí thải gây hiệu ứng nhà kính so với mức năm 2005.
Văn kiện này đã nhận được sự ủng hộ của 231 nghị sĩ, 190 nghị sĩ phản đối. Trong số này, có 3 nghị sĩ Cộng hòa đứng về phía đảng Dân chủ bỏ phiếu thuận.
Phát biểu sau cuộc bỏ phiếu, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi mô tả dự luật trên mang tính "khẩn cấp" về đạo đức, kinh tế và an ninh quốc gia, đồng thời nhấn mạnh việc thông qua dự luật là "bước đi đúng hướng", song bà Pelosi thừa nhận dự luật khó có thể qua được "ải" Thượng viện.
Giữa năm 2017, Tổng thống Trump đã thông báo sẽ rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris. Theo ông, văn kiện này áp đặt những tiêu chuẩn môi trường không công bằng với các công ty Mỹ và Chính phủ Mỹ, vì các nước khác như Trung Quốc được yêu cầu ít hơn.
Ông cho rằng việc thực thi thỏa thuận sẽ đặt ra một mối đe dọa đối với nền kinh tế Mỹ. Thời điểm sớm nhất để Mỹ thực sự rút khỏi thỏa thuận là tháng 11/2020, tháng sẽ diễn ra cuộc bầu cử tổng thống Mỹ với một trong các chủ đề tranh cử chính là hành động chống biến đổi khí hậu.
Năm 2018, các nhà khoa học của Chính phủ Mỹ đã công bố một báo cáo dài 1.000 trang cảnh báo rằng tình trạng biến đổi khí hậu sẽ cướp đi hàng trăm tỷ USD mỗi năm của Mỹ nếu không hành động mạnh nay nhằm giảm khí thải carbon.
Đầu năm 2019, các nghị sĩ Dân chủ đã công bố một sáng kiến đầy tham vọng mang tên Thỏa thuận Xanh Mới, trong đó kêu gọi tiến hành các bước đi mạnh mẽ nhằm giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu, đặc biệt là tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo.