Xung đột đã nổ ra giữa nhóm bảo vệ Tổng thống Yemen lưu vong Abed Rabbo Mansour Hadi do Saudi Arabia hậu thuẫn và lực lượng do UAE ủng hộ mang tên Hội đồng Chuyển giao miền Nam từ ngày 7/8 tại thành phố cảng Aden. Cả hai nhóm có đối thủ chung là nhóm phiến quân Houthi.
Xung đột bắt nguồn từ việc một tên lửa được cho của phiến quân Houthi đã bắn trúng nhóm diễu hành bán quân sự tại Aden. Hội đồng Chuyển giao miền Nam ngay lập tức đổ lỗi cho nhóm ủng hộ chính phủ mang tên Islah và cho rằng vụ tấn công chủ đích nhằm làm suy yếu thành phố Aden. Theo tờ Newsweek, Aden là thành phố chiến lược của Hội đồng Chuyển giao miền Nam. Từ đây hai phía bắt đầu quay sang chỉ trích và đối đầu lẫn nhau.
Đến ngày 12/8, Hội đồng Chuyển giao miền Nam tuyên bố thực hiện cam kết ngừng bắn tại Aden.
Cuộc chiến tranh tại Yemen nổ ra từ năm 2011, tiếp sau làn sóng biểu tình bạo lực làm chao đảo quốc gia nằm trên Bán đảo Arab này. Biểu tình quy mô khiến lãnh đạo Yemen khi đó Ali Abdullah Saleh bị lật đổ và ông Hadi lên thay thế. Song chính phủ của ông Hadi lại phải đối mặt với nhóm nổi dậy Houthi.
Lực lượng Houthi đã kiểm soát thủ đô Sanaa vào đầu năm 2015, buộc ông Hadi phải rời Aden. Saudi Arabia sau đó lập liên quân và ném bom vào vị trí của Houthi từ tháng 3 cùng năm. Chiến sự khiến nhiều dân thường thiệt mạng và gây ra nạn đói khủng khiếp khiến Liên hợp quốc phải gọi đây là “khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới”.
Mỹ trong khi đó cũng ra sức ủng hộ liên minh do Saudi Arabia dẫn đầu. Washington coi Riyadh là nút thắt quan trọng trong việc cách ly Iran. Ngoài ra, Mỹ cũng nhìn nhận Yemen là chiến trường nơi đối đầu với Houthi và Iran.
Ngoài ra, UAE cũng được coi là đồng minh quan trọng của Mỹ chống lại Iran. Tuy nhiên, Ngoại trưởng UAE Abdullah bin Zayed Al Nahyan mới đây không đứng về phía Mỹ và Saudi Arabia khi đổ tội cho Iran trong các vụ tấn công tàu chở dầu trên Vịnh Péc-xích. UAE trong tháng 7 cũng đánh tiếng rút quân đội khỏi Yemen, đồng thời đã ký biên bản ghi nhớ về an ninh hàng hải chung với lực lượng bảo vệ biên giới Iran.