Theo Straits Times, các tuyến tàu điện ngầm đã tạm dừng hoạt động vào ngày 30/11 sau khi hàng nghìn người làm việc trong lĩnh vực này trở thành nhóm lao động mới nhất tham gia phong trào đình công trước đó do những người lái xe tải khởi xướng.
Dự kiến, nhân viên đường sắt cũng tham gia phong trào từ ngày 2/12 tới.
Trong khi đó, nhân viên y tế và cán bộ giáo viên trường học đã tổ chức các cuộc tuần hành riêng biệt trong một ngày vào tuần trước và Liên đoàn Công đoàn Hàn Quốc (KCTU), với hơn một triệu thành viên, đang lên kế hoạch tổ chức một cuộc đình công khác trên toàn quốc vào ngày 6/12.
Các chuyên gia cho biết KCTU phản đối mọi chính sách lao động dùng chi phí của người lao động để hỗ trợ các doanh nghiệp và điều đó có thể xảy ra xung đột với chính quyền của Tổng thống Yoon Suk-yeol.
Các chuyên gia kêu gọi chính phủ cần chấm dứt các cuộc đình công nhanh chóng để giảm thiểu thiệt hại cho nền kinh tế.
Trước đó, cuộc đình công kéo dài 8 ngày của các tài xế xe tải vào tháng 6 đã khiến các ngành công nghiệp như sản xuất ô tô, thép và xi măng thiệt hại tổng cộng khoảng 2.000 tỷ won.
Trong cuộc đình công của các tài xế xe tải lần này, ngành xây dựng đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất với hơn 500 công trường xây dựng tạm ngừng hoạt động do nguồn cung xi măng cạn kiệt.
Ngày 29/11, Tổng thống Yoon Suk-yeol đã ra lệnh cho các tài xế xe tải chở xi măng trở lại làm việc trong vòng 24 giờ. Nếu không, họ có thể phải đối mặt với các hình phạt như phạt tiền, tước giấy phép kinh doanh hay thậm chí ngồi tù tối đa ba năm.
“Việc dùng sinh kế của những người dân thường và nền kinh tế quốc gia làm con tin cho nhu cầu của chính mình là không chính đáng”, Tổng thống Yoon nói, đồng thời lưu ý một số thành viên công đoàn thậm chí đã hành hung những người từ chối tham gia đình công.
Văn phòng tổng thống cho biết một sắc lệnh tương tự có thể được áp dụng cho các tài xế xe tải trong các ngành công nghiệp khác, nhấn mạnh chính phủ sẽ không tìm kiếm bất kỳ thỏa hiệp nào đi ngược lại quy định của pháp luật.
Về phần mình, lực lượng lái xe tải đang yêu cầu được trả nhiều hơn để bù đắp chi phí nhiên liệu tăng cao và mở rộng hệ thống hỗ trợ của chính phủ nhằm đảm bảo khoản thanh toán tối thiểu cho họ, dự kiến đến hạn chót vào tháng 12.
Các cuộc đàm phán giữa chính phủ và công đoàn Đoàn kết Người lái xe tải chở hàng trong ngày 30/11 đã kết thúc chỉ sau 40 phút, đánh dấu vòng thảo luận thất bại thứ hai.
Bộ trưởng Đất đai Won Hee-ryong đã loại trừ khả năng có thêm các cuộc đàm phán, nói rằng công đoàn không cam kết tìm kiếm giải pháp.
Trong khi đó, nhân viên làm việc trong các ga tàu điện ngầm đang phản đối kế hoạch sa thải hơn 1.500 nhân viên của công ty Seoul Metro vào năm 2026 ở những khu vực mà ứng dụng công nghệ để phục vụ hành khách. Nhân viên đường sắt cũng đang tìm cách gây sức ép kế hoạch tư nhân hóa đường sắt của chính phủ.
Nhân viên y tế đình công đòi tăng thêm nhân lực, còn nhân viên trường học muốn chính phủ cải cách hệ thống tiền lương cho những người lao động không chính thức và cải thiện điều kiện làm việc.
Chuyên gia lao động Bae Kiu-sik cảnh báo trong những tháng tới, Hàn Quốc có thể sẽ phải đối mặt với nhiều cuộc đình công khác của người lao động vì KCTU nổi tiếng với tôn chỉ không lùi bước cho đến khi đạt được điều mình muốn.
Chuyên gia này chỉ ra lập trường của Tổng thống Yoon về các vấn đề lao động cứng rắn hơn so với người tiền nhiệm Moon Jae-in. Cựu Tổng thống Moon được biết đến là người đã thực hiện các chính sách thân thiện với người lao động như tăng lương tối thiểu, chuyển đổi hợp đồng lao động tạm thời thành hợp đồng dài hạn và quy định tuần làm việc 52 giờ.
Tiến sĩ Bae, một nhà nghiên cứu đã nghỉ hưu tại Viện Lao động Hàn Quốc, cho biết: “Thái độ của chính phủ đối với các cuộc đình công lần này khá cứng rắn. Các nhóm bảo thủ và người sử dụng lao động có thể ủng hộ các quyết định của chính phủ, nhưng các tổ chức công đoàn và người lao động sẽ không hài lòng. Lợi ích và mất mát xuất hiện cùng một lúc”.
Trong một bài xã luận ngày 29/11, báo JoongAng Ilbo kêu gọi chính phủ cần xử lý tình hình một cách khôn ngoan, nhấn mạnh sự cần thiết phải tìm chỗ cho đối thoại trong khi duy trì luật lao động.
Trong khi đó, tờ Korea Times kêu gọi nhiều nỗ lực hơn nữa từ cả hai bên để tìm kiếm một sự thỏa hiệp nếu không môi trường kinh tế ngày càng tồi tệ.
Tiến sĩ Bae cũng cảnh báo về sự mệt mỏi của công chúng đối với các cuộc đình công.
“Có quá nhiều cuộc đình công và một số người bắt đầu cảm thấy chán nản trước những tình huống gián đoạn. Mọi người có thể thông cảm hơn với hoàn cảnh của những người lao động tự do đình công, nhưng không mấy thiện cảm với những người làm việc trong các công ty lớn và khu vực công, vì họ đã được đền bù tương đối tốt và việc làm của họ được đảm bảo”, chuyên giá Bae lý giải.