Hàn Quốc sẵn sàng đàm phán với Triều Tiên không kèm điều kiện tiên quyết

Hàn Quốc sẵn sàng đối thoại với Triều Tiên mà không kèm theo các điều kiện tiên quyết với hy vọng có thể cải thiện mối quan hệ liên Triều.

Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Cho Myoung-gyon phát biểu trong cuộc họp tại thủ đô Seoul ngày 28/11. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Trong tuyên bố đưa ra ngày 22/12, Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Cho Myoung-gyon nêu rõ Hàn Quốc "sẵn sàng đối thoại về những vấn đề liên quan đến Bình Nhưỡng trong tâm thế cởi mở và không kèm theo các điều kiện".

Ông nhấn mạnh Hàn Quốc sẽ nỗ lực khôi phục mối quan hệ liên Triều vốn đang căng thẳng và thúc đẩy những mối quan hệ tốt hơn để có thể giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.

Quan chức này cũng kỳ vọng vào sự tham gia của Triều Tiên tại Thế vận hội (Olympics) mùa Đông dự kiến diễn ra tại Pyeongchang vào năm tới, cho rằng đây sẽ là một dịp tốt đối với Bình Nhưỡng nếu muốn tìm kiếm đàm phán.

Liên quan đến các cuộc đối thoại liên Triều, một quan chức chính phủ cấp cao giấu tên của Hàn Quốc cùng ngày nhấn mạnh sự cần thiết phải thăm dò ý định của Triều Tiên về việc tiến hành các cuộc đàm phán trong bối cảnh các kênh liên lạc đã bị đóng băng.

Quan chức này nêu rõ: "Cần phải thăm dò mong muốn của mỗi bên thông qua tổ chức các cuộc gặp gỡ mà không đi kèm bất kỳ điều kiện nào. Sẽ có những bất đồng cũng như những điểm tương đồng, song hai bên có thể đạt được sự thỏa hiệp".

Ông cũng khẳng định Hàn Quốc sẵn sàng đưa ra những đề xuất đối thoại bổ sung đối với Triều Tiên, và "nếu Bình Nhưỡng đề xuất đối thoại, Seoul sẵn sàng tích cực xem xét".

Chính phủ Hàn Quốc đang hy vọng Olympics sắp tới với sự tham dự của Triều Tiên có thể mang lại một bầu không khí hòa giải trên Bán đảo Triều Tiên.

Ngày 19/12, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã đề xuất hoãn các cuộc tập trận quân sự chung giữa Seoul và Washington, hoạt động mà Bình Nhưỡng luôn phản đối mạnh mẽ, nhằm giảm căng thẳng trong suốt thời gian diễn ra Thế vận hội mùa Đông.

TTXVN/Báo Tin tức
Sợ Mỹ cắt viện trợ, một loạt nước bỏ phiếu trắng nghị quyết Jerusalem
Sợ Mỹ cắt viện trợ, một loạt nước bỏ phiếu trắng nghị quyết Jerusalem

Sáng 21/12, nghị quyết kêu gọi Mỹ rút lại tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel đã được thông qua với kết quả 128 phiếu thuận, 9 phiếu chống và 35 phiếu trắng. Tuy có số phiếu thuận áp đảo song kết quả này vẫn thấp hơn mong đợi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN