Hội nghị thượng đỉnh EU tập trung vào an ninh và quốc phòng

Hội nghị thượng đỉnh cuối cùng của Liên minh châu Âu (EU) trong năm 2013 diễn ra trong các ngày 19 - 20/12 tại thủ đô Brussels của Bỉ với trọng tâm là an ninh và quốc phòng.

Ảnh minh họa.


Tại cuộc họp báo diễn ra ngày 18/12, Chủ tịch Ủy ban quốc phòng thuộc Nghị viện châu Âu (EP) Arnaud Danjean thông báo lãnh đạo các quốc gia thành viên EU sẽ thảo luận cách thức tăng cường hiệu quả của chính sách an ninh và quốc phòng của EU, cũng như cách thức loại bỏ trở ngại đối với vấn đề này; tăng cường phát triển khả năng quốc phòng cũng như ngành công nghiệp quốc phòng của châu Âu.

Bà Danjean cho biết trong những năm tiếp theo, EU sẽ tập trung chống tin tặc trong lĩnh vực quốc phòng, phát triển máy bay không người lái thế hệ mới, tăng cường hợp tác giữa các nước thành viên trong lĩnh vực quốc phòng. Bên cạnh đó, EU cũng hỗ trợ việc phát triển các công ty vừa và nhỏ (PME) vì các công ty này giữ vai trò vô cùng quan trọng trong nền công nghiệp quốc phòng.

Trong chương trình dài hạn hơn đến năm 2020, EU sẽ tập trung vào các chính sách quốc phòng chung phục vụ cả hai mục đích dân sự và quân sự, thiết lập chương trình chung về hợp tác quốc phòng giữa các quốc gia thành viên, đồng thời sẽ trang bị máy bay Airbus A400M cho khu vực quốc phòng.

Đại diện Hội đồng châu Âu cho biết hội nghị lần này cũng sẽ thảo luận về vấn đề liên minh kinh tế và tiền tệ, chính sách kinh tế - xã hội và vấn đề năng lượng. Đây là những chủ đề đã được đề cập tại Hội nghị thượng đỉnh mùa Thu tháng mười vừa qua. Các nhà lãnh đạo EU hy vọng Hội nghị thượng đỉnh lần này sẽ đưa ra giải pháp cho những vấn đề "nóng" liên quan đến khu vực như Ukraine và tăng cường trợ giúp Trung Phi.

Trước đó ngày 18/12, các bộ trưởng Tài chính EU đã đạt thỏa thuận về kế hoạch thành lập liên minh ngân hàng chung nhằm trao cho EU những quyền lực mới chưa từng có trước đây để chặn đứng nguy cơ các ngân hàng yếu kém tàn phá nền kinh tế. Lãnh đạo EU sẽ xem xét kế hoạch này tại hội nghị thượng đỉnh cuối cùng trong năm 2013.

Ủy viên EU phụ trách các thị trường tài chính Michel Barnier cho biết kết thúc cuộc thảo luận gay gắt kéo dài 12 giờ, các quan chức tài chính EU đã đưa ra những thay đổi mang tính cách mạng đối với hệ thống ngân hàng khu vực cốt là để người nộp thuế không phải đóng góp cho việc cứu giúp các ngân hàng yếu kém, chấm dứt kỷ nguyên bảo lãnh ồ ạt.

Thỏa thuận này sẽ tăng cường sự ổn định về tài chính, giúp các ngân hàng có thể bơm tiền cho nền kinh tế thực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và kiến tạo việc làm. Các bộ trưởng cũng đã nhất trí với Cơ chế giải pháp duy nhất (SRM), tạo hành lang pháp lý để đóng cửa những ngân hàng hoạt động yếu kém trước khi các định chế này gây quá nhiều thiệt hại cho nền kinh tế.

SRM sẽ tồn tại song song với cơ chế giám sát mới đã được nhất trí trước đó và do Ngân hàng Trung ương châu Âu kiểm soát. Kế hoạch thiết lập hệ thống đảm bảo tiền gửi chung cũng đã được đưa ra thảo luận trong ngày 17/12 sau khi nhận được sự chấp thuận của Nghị viện châu Âu (EP).

Kế hoạch thành lập liên minh ngân hàng nhằm mục đích đối phó với các cuộc khủng hoảng tài chính và khủng hoảng nợ từng đẩy nhiều ngân hàng vào tình cảnh vỡ nợ và gần như kéo sập toàn bộ Khu vực đồng tiền chung châu Âu. Theo đó, tất cả 17 nước sử dụng đồng euro, sắp tới là 18 nước, sẽ phải tuân thủ kế hoạch chung trong khi các nước EU khác có quyền lựa chọn tham gia hay không.

Hiện một số nước, đặc biệt là Đức và Pháp, vẫn bất đồng sâu sắc về việc ai sẽ có tiếng nói cuối cùng khi quyết định đóng cửa một ngân hàng và cách thức trang trải chi phí cho việc thực hiện quyết định này. Kế hoạch kêu gọi các ngân hàng đóng góp cho một quỹ đặc biệt để chi trả cho việc đóng cửa ngân hàng. Do quỹ này không đủ mạnh trong thời gian chuyển tiếp, EU vẫn đang thảo luận cách thức tìm kiếm nguồn tài trợ bổ sung, có thể từ các nước thành viên hoặc quỹ cứu trợ của Khu vực đồng euro mang tên Cơ chế Ổn định châu Âu (ESM) theo gợi ý của các bộ trưởng tài chính.

Trong trường hợp được Hội nghị thượng đỉnh EU thông qua, kế hoạch thành lập liên minh ngân hàng còn phải nhận được sự chấp thuận của EP với không ít trở ngại như dự báo của các nhà quan sát. EU đặt mục tiêu đưa cơ chế mới vào hoạt động từ năm 2015.


TTXVN/Tin tức
Át chủ bài của EU trong cuộc cạnh tranh ảnh hưởng với Nga
Át chủ bài của EU trong cuộc cạnh tranh ảnh hưởng với Nga

Châu Âu có thể thất bại trong việc tranh giành ảnh hưởng với Nga tại Ukraine, nhưng kế hoạch phát triển đường ống dẫn khí tới Azerbaijan có thể sẽ thay đổi tình thế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN