Theo đài RT (Nga), phát biểu trên Đài phát thanh Kossuth, ông Orban giải thích rằng phần lớn các nước Liên minh châu Âu (EU) tin tưởng vào việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối phó với Nga. Song ông cho biết dù đã vạch ra một số “lằn ranh đỏ”, bao gồm lệnh cấm vận dầu mỏ với Moskva, Hungary đã lựa chọn “lội ngược dòng” với chiến lược này.
Tuy nhiên, Thủ tướng Orban tuyên bố điều cần thiết không phải là áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga, mà là một lệnh ngừng bắn ngay lập tức, cho phép hai bên thảo luận về một khuôn khổ đàm phán hòa bình. Ông nhấn mạnh điều này “vì lợi ích của Hungary và tất cả các quốc gia hòa bình”.
Ông Orban nói thêm rằng Chính phủ Hungary đang thực hiện các động thái kinh tế nhất định, chẳng hạn như áp hạn chế giá đối với một số sản phẩm để kiềm chế lạm phát, nhưng đây chỉ có thể coi là giải pháp tạm thời.
Nhấn mạnh Hungary “phải đứng về phía hòa bình”, ông Orban lưu ý các sự kiện trong vài tháng qua đã cho Budapest thấy rõ rằng tốc độ phát triển quân sự của đất nước sẽ tăng lên đáng kể. Ông giải thích tình hình ở Ukraine rất nghiêm trọng và có khả năng mặt trận này sẽ tiến gần hơn đến Hungary.
“Nếu chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải tăng cường đáng kể khả năng quân sự của mình ngay bây giờ”, ông nói. Về vấn đề NATO, Thủ tướng Hungary ông cho biết nên củng cố phía đông của liên minh quân sự này.
Theo giới chuyên gia, Hungary đang ở một vị thế khó khăn hơn các quốc gia khác trong xung đột Nga - Ukraine vì dòng người di cư. Hiện đã có khoảng 800.000 người di cư vào Hungary, trong khi số người vượt biên trái phép lên tới hơn 100.000 người.
Nhằm khích lệ người dân, Thủ tướng Orban cho rằng trong bối cảnh chiến tranh, đất nước đang ở thế phòng thủ và bây giờ không phải là lúc để thúc đẩy các khoản đầu tư hoặc thậm chí tiền lương. Thay vào đó, mục tiêu bây giờ là không để tình hình chiến tranh làm thụt lùi sự phát triển kinh tế và mức sống của người dân. Theo đó, chính phủ cam kết bảo vệ việc làm đầy đủ, hệ thống hỗ trợ gia đình, giới hạn hóa đơn điện nước và lương hưu.
Vào hôm 1/7, Văn phòng thống kê EU Eurostat cho biết lạm phát ở khu vực đồng euro đã tăng 8,6% trong tháng 6 hàng năm do cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt ngày càng sâu sắc. Tỷ lệ này đã tăng so với mức 8,1% được ghi nhận vào tháng 5, cao hơn dự kiến của các nhà kinh tế.
Suy thoái là một giai đoạn suy giảm kinh tế, khi hoạt động thương mại và công nghiệp giảm xuống, dần dần dẫn đến giảm GDP. Đây có thể là kết quả của hoạt động điều tiết tập trung vào chống lạm phát, thay vì kích thích tăng trưởng kinh tế, chẳng hạn như tăng lãi suất.
Kể từ đầu năm, nhiều quốc gia - bao gồm Mỹ và hầu hết các nước châu Âu - đã phải chống chọi với mức giá tăng vọt do cuộc khủng hoảng Ukraine và các lệnh trừng phạt chống Nga gây ra. Hiện nay ngày càng nhiều nhà phân tích cảnh báo rằng bằng cách ưu tiên chống lạm phát hơn tăng trưởng, các quốc gia này chắc chắn sẽ chứng kiến mức tăng trưởng kinh tế chậm lại.