BMKG cho biết những con sóng lớn này cũng có thể đánh vào vùng biển phía Tây của tỉnh Lampung, phần phía Nam của eo biển Sunda, phần phía Nam của quần đảo Java và Lombok, cũng như phần phía Nam của eo biển Bali-Lombok-Alas. Cơ quan trên đã khuyến cáo cộng đồng dân cư ven biển cần chủ động đề phòng ứng phó.
Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc BMKG, Mulyono Rahadi, sóng lớn khác với sóng thần và cảnh báo sớm này không liên quan đến trận động đất mạnh 6,9 độ làm rung chuyển một số khu vực của tỉnh Banten tối 2/8. Theo số liệu mới nhất, tính đến 0h ngày 4/8, trân động đất ở Banten đã làm 5 người chết, 4 người bị thương và 178 ngôi nhà bị thiệt hại.
BMKG cũng bác bỏ tin đồn trên các nền tảng truyền thông xã hội trong 2 ngày qua về khả năng xảy ra một trận động đất mạnh 9 độ vì khoa học chưa thể dự đoán được về khả năng xảy ra động đất ở bất cứ đâu, đồng thời kêu gọi công chúng theo dõi các nguồn tin chính thức.
Do nằm trên "Vành đai lửa" Thái Bình Dương, Indonesia thường xuyên phải hứng chịu các trận động đất và núi lửa hoạt động. Hồi năm ngoái, một trận động đất với cường độ 7,5 đã gây ra sóng thần ở Palu, trên đảo Sulawesi của nước này, khiến hơn 2.200 người mất tích và hàng nghìn người bị cho là mất tích.