Phát biểu trong một cuộc họp trực tuyến, ông Hartarto nêu rõ khoản ngân sách trên sẽ được dành để sản xuất 30 – 40 triệu liều vaccine tại công ty dược phẩm nhà nước PT Bio Farma. Bộ trưởng Hartarto cho biết thêm quỹ tài trợ có khả năng sẽ lên tới 40.000 tỷ rupiah – 50.000 tỷ rupiah.
Hiện các công ty của Indonesia và Trung Quốc đang tiến hành thử nghiệm lâm sàng đối với vaccine nói trên. Dự kiến, Indonesia sẽ bắt đầu sản xuất vaccine vào tháng 10 tới.
Cùng ngày, Viện Robert Koch (RKI) của Đức cho rằng vaccine đầu tiên ngừa COVID-19 khả năng được sản xuất vào mùa Thu, song cảnh báo có thể mất một thời gian dài để kiểm soát được đại dịch.
Trong một tuyên bố đăng trên trang web, viện trên cho biết những dự báo ban đầu cho thấy thị trường khả năng sẽ có sẵn một hoặc một vài vaccine vào mùa Thu năm nay. Tuy nhiên, RKI cảnh báo: “Tại thời điểm này sẽ rất nguy hiểm nếu tin rằng việc tiêm phòng vaccine từ mùa Thu 2020 có thể kiểm soát đại dịch”. Cơ quan hàng đầu của Đức về kiểm soát dịch bệnh cho biết thêm bất kỳ loại vaccine nào khả năng chỉ có tác dụng hạn chế do virus biến thể hoặc do những sản phẩm đầu tiên tung ra thị trường chỉ đem lại khả năng miễn dịch trong thời gian ngắn.
Công ty công nghệ sinh học BioNTech (Đức) hiện đang hợp tác với “đại gia” dược phẩm Pfizer để phát triển, thử nghiệm và sản xuất vaccine phòng COVID-19. Ngày 11/8, đại diện công ty BioNTech tái khẳng định mục tiêu sẽ xin cấp phép khẩn cho vaccine của hãng vào tháng 10 tới nếu các cuộc thử nghiệm lâm sàng hiện được tiến hành đạt kết quả khả quan.