Các gói kích thích kinh tế và ngân sách nhà nước đã phát huy hiệu quả. Việc giải ngân các các gói hỗ trợ diễn ra suôn sẻ. Tất cả đang tạo ra hiệu ứng tích cực đối với nền kinh tế Indonesia.
Bộ trưởng Luhut hy vọng rằng những nỗ lực của chính phủ trong việc cân bằng xử lý dịch bệnh và phục hồi kinh tế sẽ nhận được sự ủng hộ của tất cả người dân để nền kinh tế của Indonesia sớm phục hồi hoàn toàn, trong khi sức khỏe của người dân được bảo đảm và tiếp tục là ưu tiên hàng đầu của chính phủ.
Đã có nhiều dấu hiệu cho thấy, những nỗ lực của Chính phủ Indonesia trong việc ngăn chặn dịch bệnh đã bắt đầu phát huy hiệu quả. Trong ba tháng đầu tiên sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát tại Indonesia, nền kinh tế và mọi hoạt động đời sống, sinh hoạt của người dân đã phải chịu áp lực rất lớn.
Nhưng đến thời điểm hiện tại, mọi diễn biến đang theo chiều hướng tốt lên rõ rệt, nền kinh tế bắt đầu vận hành bình thường, người dân dần quay trở lại các hoạt động thường ngày. Tuy nhiên, cả chính phủ và người dân đều rất cẩn trọng và không có tâm lý chủ quan trong tình hình hiện nay.
Theo ông Luhut Binsar Pandjaitan, Indonesia là một quốc gia lớn kể cả về mặt diện tích lẫn quy mô dân số. Đây là một trong những yếu tố khiến Indonesia khó kiểm soát dịch bệnh hơn các quốc gia khác trong khu vực. Nhưng có nhiều khó khăn và trở ngại không đồng nghĩa với việc Indonesia sẽ “đầu hàng” trong cuộc chiến này.
Bộ trưởng Luhut cũng cho biết vắc-xin COVID-19 có thể sẽ sớm đến tay người dân Indonesia vào đầu năm 2021 và sẽ giúp Indonesia đẩy lùi dịch bệnh.
Trước đó, chuyên gia kinh tế cấp cao và là người sáng lập Viện Phát triển Kinh tế và Tài chính (Indef) của Indonesia, ông Didik Junaidi Rachbini, cho rằng "chìa khóa" để tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế của Indonesia là phải kiểm soát các ca lây nhiễm COVID-19 mới.
Theo ông Didik Junaidi Rachbini, các chính sách mà Chính phủ Indonesia đã thực hiện để ngăn chặn dịch bệnh hoàn toàn không có hiệu quả thậm chí còn khiến cho tình hình trở nên tồi tệ hơn. Do đó, mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2021 mà Chính phủ Indonesia đưa ra trong khoảng 4,5% - 5,5% là quá ảo tưởng, phi thực tế. Chính phủ Indonesia sẽ không thể thực hiện được mục tiêu này.
Cũng theo chuyên gia kinh tế này, nếu chính phủ không nhận ra rằng đây là một thất bại, không thay đổi chính sách tình hình sẽ càng trở nên bi đát và khó có thể cứu vãn. Nguy cơ về một cuộc khủng hoảng kinh tế như đã xảy ra năm 1997 đang dần hiện hữu mà Indonesia khó có thể tránh khỏi.