"Có, tôi rất muốn. Tôi muốn chỉ trong vài tháng nữa,... nhưng những thứ như này sẽ phải triển khai lâu hơn các bạn tưởng", Bộ trưởng Esper trả lời khi được hỏi liệu ông có cân nhắc triển khai tên lửa tại châu Á hay không.
Tuyên bố được đưa ra một ngày sau khi Mỹ chính thức rút khỏi Hiệp ước các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) sau khi xác định Nga vi phạm hiệp ước này. Tuy nhiên, Điện Kremlin bác bỏ cáo buộc này.
Tân lãnh đạo Lầu Năm Góc cũng không nêu rõ chi tiết sẽ triển khai tên lửa tại địa điểm nào ở châu Á, khẳng định điều này phụ thuộc vào các cuộc thảo luận với đồng minh và các yếu tố khác. Khi được hỏi về dự đoán phản ứng của Trung Quốc, Bộ trưởng Esper cho rằng quốc gia châu Á này sẽ không ngạc nhiên trước động thái triển khai tên lửa của Mỹ, do “hơn 80% kho vũ khí của họ là hệ thống tên lửa tầm trung, nên việc chúng ta muốn có năng lực như này sẽ không làm cho họ ngạc nhiên”. Bộ trưởng Esper nhấn mạnh vì khoảng cách rộng lớn tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, việc Mỹ tập trung phát triển vũ khí tầm trung có độ chính xác cao là rất quan trọng.
INF được Mỹ và Liên Xô cũ ký ngày 8/12/1987 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6/1988. Theo đó, hai bên cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn (từ 500 - 5.500 km).
Tuy nhiên, vào tháng 10/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước khi chế tạo tên lửa “Novator 9M729". Trong khi đó, Nga tuyên bố không tiêu hủy “Novator 9M729", đồng thời khẳng định loại tên lửa này không vi phạm INF. Theo Moskva, Mỹ tạo cớ rút khỏi hiệp ước để có thể tự do phát triển những loại tên lửa mới.
(Báo Tin tức tiếp tục cập nhật...)